ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(7)
V. THUỐC KHU HÀN
Khu hàn là thuốc ôn trung
Vị cay, tính nóng liều dùng ít thôi
Phần dương khí giảm trong người
Khiến tỳ, vị lạnh rối bời trung châu
Rối loạn tiêu hóa hàng đầu
Huyết và tân dịch tiếp sau bất thường
Gây nên chứng trạng vong dương
Lấy thuốc cay, nóng lập phương chữa liền
Theo như định nghĩa nêu trên
Thuốc phân hai loại có tên rõ ràng
Một là ôn lý trừ hàn
Hai là lấy lại dương phần đã suy
Những điều cấm kỵ cần ghi
Giải hàn chân nhiệt tức thì cấm xơi
Âm hư nội nhiệt cũng thôi
Có thai thì phải kiêng thời mới an.
1. Thuốc ôn lý trừ hàn
Về thuốc ôn lý trừ hàn:
Khi hàn quá thịnh trong thân người mình
Tỳ, vị thăng giáng bất bình
Công năng vận hóa giảm, sinh hư hàn
Gây ra đầy bụng, nôn càn
Bụng đau, tiêu lỏng, mặt vàng, da xanh
Gây thêm chứng lạnh tay chân
Thuốc này làm ấm thông phần khí cơ
Kích thích tiêu hóa khỏi lo
Thuốc gồm các vị kể cho tỏ tường:
Thảo quả và Tiểu hồi hương
Ngô thù du với Can khương, Địa liền
Cao lương khương tức củ Riềng
Xuyên tiêu, Ngải diệp, đừng kiêng Đại hồi
Hồ tiêu, Tất bát gần người
Đinh hương cay ấm có mùi thơm tho
Sa nhân còn gọi Xuân sa
Là một dược liệu nước ta có trồng.
1. Thảo quả
Xem phần III. Thuốc lợi thủy thẩm thấp.
2. Tiểu hồi hương, cay, ấm lòng
Thận, can, tỳ, vị quy trong bốn đàng
Tác dụng ôn lý, trừ hàn
Ôn thận, chỉ thống, ấm can, mạnh tỳ
Chủ trị: phúc thống, sa đì
Thượng vị đau trướng, ăn thì không tiêu
Nôn mửa, tiêu chảy chữa đều
Hành kinh đau bụng phiền nhiều chị em
Âm hư hỏa vượng phải kiêng
Nhiệt mà dùng nó bệnh thêm khó lường.
3. Đại hồi hay Đại hồi hương
Đông – Tây y học vẫn thường dùng luôn
Có vị cay, ngọt, thơm, ôn
Thận, can, tỳ, vị quy tròn bốn kinh
Khu hàn, ôn lý diệu linh
Lý khí, khai vị, đau mình đều an
Chữa được nhiều bệnh do hàn:
Phúc minh, phúc thống, sa tràng, lợm nôn
Tiêu hóa bất chấn dùng luôn
Đau cơ, đau khớp, đau xương đều dùng
Thức ăn gây độc, giải xong
Âm hư hỏa vượng ghi lòng phải kiêng.
4. Cao lương khương tức củ Riềng
Vị cay, tính nóng tự nhiên thơm nồng
Quy kinh tỳ, vị trong lòng
Làm rau, làm thuốc cộng đồng đều ăn
Trừ hàn, ôn lý tài năng
Bụng đau, đầy trướng, phải chăm trị liền
Tiêu đờm, hạ khí được yên
Kích thích tiêu hóa và kiêm kiện tỳ
Lợm nôn, tiêu chảy, sa đì
Đau răng nhai, ngậm nhiều khi an toàn
Âm hư hỏa vượng không màng
Mắc bệnh táo bón ăn càng bón thêm.
5. Đinh hương – Đinh tử cùng tên
Vị cay, tính ấm quy liền bốn kinh
Tên thui Phế, tỳ, vị, thận rõ rành
Khu hàn, giáng nghịch, kiện toàn trung châu
Ấm tỳ, ôn thận giảm đau
Do hàn tiêu chảy, thêm khâu nấc hoài
Liệt dương, ẩu thổ mệt nhoài
Chữa đau bụng lạnh kêu nài Đinh hương
Hư hàn tỳ, thận, đau xương
Đau răng, đau lợi ngậm thường giảm mau
Đinh hương – Uất kim kỵ nhau
Không hư hàn phải không cầu nhớ cho.
16. Can khương còn gọi Gừng khô
Phế, tâm, tỳ, vị nhập vô bốn đường
Vị cay, tính nóng thơm hương
Trục hàn, ôn lý, hồi dương rất cần
Hư hàn, xuất huyết sẽ cầm
Vị, tỳ hư nhược tay chân lạnh lùng
Hàn gây tiết tả phải dùng
Bụng đau do lạnh xin đừng bỏ qua
Ho suyễn hàn tích gây ra
Phong, hàn, thấp tý trị là phải yên
Âm hư có nhiệt phải kiêng
Có thai xin nhắc chị em không dùng.
7. Xuyên tiêu còn gọi là Sưng
Cay, nóng hơi độc coi chừng kẻo nguy
Nhập vào kinh thận, vị, tỳ
Tác dụng dược lý đã ghi rõ ràng
Chỉ thống, ôn lý, trừ hàn
Sát trùng, trục thấp, tiêu tan bệnh tình
Chữa đau bụng lạnh tốt lành
Ho, nôn, đi tả cũng thanh trừ liền
Giun đũa quấy sẽ khử yên
Âm hư hỏa vượng phải kiêng không xài
Chị em phụ nữ có thai
Luôn luôn phải nhớ rằng bài (trừ) Xuyên tiêu.
8. Tất bát – Lá lốt có nhiều
Làm rau, làm thuốc hai điều cùng hay
Mùi thơm, tính nóng, vị cay
Quy vào tỳ, phế, dạ dày (vị) đều thông
Công năng tán lạnh ôn trung
Hạ khí chỉ thống, vị mong kiện toàn
Chữa tam tý: thấp, phong, hàn
Lạnh gây tê bại tay chân ngâm vào
Bụng đau, tiêu chảy khổ sao
Đau răng, nôn mửa, nhức đầu, trị yên
Nước hôi mũi chảy rất phiền
Tay chân xuất hãn ngâm liền sẽ khô
Âm hư nội nhiệt nhớ cho
Không ăn Lá lốt còn lo gì phiền.
9. Địa liền – Tam nại, Thiền liền
Lá sát mặt đất thành tên đó mà
Ấm, cay, hương chế nước hoa
Tán hàn, ôn lý, thấp tà trị hay
Quy tâm, tỳ, phế, dạ dày (vị)
Tiêu thực, trừ uế khí bay đi liền
Đau bụng do lạnh gây nên
Nhức đầu, nôn mửa, ho hen chữa lành
Đau răng, tiêu chảy dùng nhanh
Tê thấp, đau nhức, nó hành hạ ta
Ngâm rượu xoa bóp ngoài da
Cơ nhục, xương khớp chắc là sẽ yên
Âm hư thiếu máu phải kiêng
Vị có hỏa uất chớ nên tin dùng.
10. Ngải diệp hay gọi Ngải nhung
Thơm, đắng, cay, ấm nhập cung ba đàng
Là kinh tỳ, thận và can
Khu hàn trừ thấp, thai an, huyết cầm
Dùng thử Ngải diệp cửu tràn mới hay
Điều hòa khí huyết phải cần
Chủ trị các bệnh sau đây:
Kinh thủy bất nhất, huyết hay vọng hành
Động thai, kinh thống chữa lành
Đới hạ, nôn mửa, đa kinh đều dùng
Lạnh gây đau bụng, diệt trùng
Nhức đầu, kiết lỵ ăn cùng dịu luôn
Dùng ngoài xông đắp sớm hôm
Âm hư huyết nhiệt người khôn tránh liền.
11. Hồ tiêu hai loại trắng, đen
Tiêu là cay gắt, có bên xứ Hồ
Thành tên được gọi ở ta
Nóng, cay, hương vị rất là đặc trưng
Nhập kinh phế, vị, kinh tràng
Chỉ đau, kiện vị, tán hàn ôn trung
Chữa nhiều chứng bệnh phải dùng
Đau bụng do lạnh bên trong thân người
Hàn đàm thực tích sẽ vơi
Nôn mửa, tả, lỵ uống thời sẽ yên
Chữa răng đau nhức, suyễn hen
Âm hư hỏa vượng, trĩ nên không dùng.
12. Ngô thù du ở nhiều vùng
Xứ Ngô mọc tốt nên dùng đặt tên
Cay, đắng, tính nóng không êm
Có chút ít độc phải xem kỹ càng
Quy vào tỳ, vị, thận, can
Ôn trung, giáng nghịch, tán hàn, chỉ nôn
Hạ hỏa, giải uất tốt hơn
Chủ trị nhiều bệnh qua cơn hiểm nghèo
Bụng đau, tiêu chảy kèm theo
Nôn khan, ăn uống không tiêu, thấp hàn
Quyết âm đầu thống trị an
Răng đau, cảm lạnh, lưng chân yếu mềm
Miệng lưỡi lở ngứa chữa yên
Nghiền giấm bôi dưới bàn chân hỏa lùi
Ngô thù không dùng kéo dài
Kể cả phụ nữ có thai chớ mần.
13. Sa nhân hay Xuân sa nhân
Vào tỳ, vị, thận, ôn, tân, thơm lừng
Tác dụng hành khí, ôn trung
Khai vị, tiêu thực và dừng quặn đau
An thai, trừ thấp nhiệm màu
Chữa được nhiều bệnh ngõ hàu cứu nhân
Giúp cho tiêu hóa thức ăn
Tỳ vị khí trệ sẽ dần được tiêu
Tả, lỵ do lạnh bất điều
Bụng đau, nôn, nấc vài liều là yên
Ác trở, thai động bất an
Phương thuốc đều có Sa nhân mới lành
Âm hư nội nhiệt tránh nhanh
Ngâm rượu để chữa đau răng, dùng ngoài.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- DƯỢC LIỆU NAM TRÀ CAO HUYẾT ĐẰNG
- CAO GẮM NAM DƯỢC LIỆU CHỮA BỆNH XƯƠNG KHỚP GOUT
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(26)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(25)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(24)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(23)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(22)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(21)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(20)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(19)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(16)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(15)