Giới thiệu về

Giới thiệu

NHÓM "Tri Ân Đồng Đội" CCB- F7-QĐ 4 và CCB P4 Phú Nhuận

* NỖI ĐAU CHIẾN TRANH

Hàng triệu Anh Hùng Liệt Sĩ đã anh dũng hy sinh để Bảo Vệ Tổ Quốc cho Đất nước nở hoa.Nhưng đến nay đã gần nửa thế kỷ,gần hai mươi ngàn ngày nỗi đau của các Mẹ,các Chị,Thân Nhân của những người "Ra đi từ đó không về" chưa được xoa dịu bởi chưa biết các Anh nay đang nằm đâu ???.Chúng tôi chia sẻ cùng Người Đưa Đò mong sớm tìm được các Anh...

Hình ảnh đã thực hiện

Hỗ trợ trực tuyến

Liên hệ quảng cáo

ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(23)

9. Ngọc trúc còn gọi Vĩ sâm

Uy di, Nữ ủy, vị cam, tính bình

Không độc vào phế, vị kinh

Dưỡng âm, nhuận táo, tân sinh, khát cầm

Trị chứng ho khan, họ đàm

Họng khô, miệng khát, sốt âm ỉ nhiều

Vị hư ăn kém, khó tiêu

Trị chứng vị nhiệt ăn nhiều, đói tăng

Còn làm thuốc bổ toàn thân

Cân bằng khí huyết, dung nhan hồng hào

Di tinh, đạo hãn uống vào

Giúp cho sức khỏe dồi dào tăng lên

Sau sinh nhắc nhở chị em

Phòng ngừa bệnh tật ta nên tìm dùng 

Dương suy, âm thịnh xin đừng

Tỳ hư, đàm thấp, ta ngưng sẽ lành.

 

10. Nữ trinh tử hay Đông thanh

Trinh mộc, Trinh thực đều thành một tên

Tính bình vị đắng, bổ êm 

Nhập vào can, thận, giúp yên vị, tỳ

Tác dụng bổ gan, thận suy

Làm mạnh lưng gối, thêm vì bổ tinh

Làm đen râu tóc đẹp mình

Làm cho thần trí được mình mẫn nhiều

Ù tai, mờ mắt uống đều

Thính lực, thị lực có chiều sáng hơn

Bổ dưỡng âm dịch thận, gan

Nóng trong cũng sẽ bị tàn ngay thôi

Chữa được nhiều bệnh giúp đời

 Thân thể tráng kiện kéo dài tuổi xuân.

 

11. Câu kỷ tử

Xem phần XIV. Thuốc bổ,

Mục 3. Thuốc bổ huyết.

 

12. Vừng đen (Hắc chi ma, Hồ ma nhân)

Xem phần IV. Thuốc tả hạ,

Mục 3. Thuốc nhuận hạ.

 

13. Bạch thược

 Xem phần XIV. Thuốc bổ,

Mục 3. Thuốc bổ huyết.

 

XV. THUỐC DÙNG NGOÀI

Thuốc dùng ngoài cũng rất cần

Chủ yếu chữa bệnh thuộc phần ngoài da

Ít khi dùng uống trong ta

Tác dụng: giải độc, sinh cơ, bài nùng

Khu phong, trừ thấp, sát trùng

Vết thương liền miệng với cùng giảm đau

Và để chữa các bệnh sau:

Ngoại khoa, da liễu, nhắc nhau nên dùng

Như là: lở ngứa, nhọt ung

Lao hạch, rò trĩ, loét vùng hậu môn

 Chữa khi bị sa dạ con

Phần phụ viêm nhiễm, chị em phải cần

Đới hạ, tê mỏi tay chân

Chấn thương, té ngã tím bầm, sưng đau

Các chứng cảm cúm, nhức đầu

Thần kinh đau mỏi cùng nhau vận dùng

Mấy điều chú ý nhắc chung

Thuốc có độc tính nên không quá liều

Cũng không sử dụng kéo dài

Hết sức thận trọng khi xài vào trong

Liều lượng rất ít nếu dùng

 Cần phải đề phòng phản ứng xảy ra

Khi bào chế phải kiểm tra

Theo đúng bài bản, đó là pháp quy

Thuốc ngoài da trong Đông y

Cao, đơn, hoàn, tán nhiều khi chế rồi

Để xông, ngâm, dán, rửa, bôi

Đắp, xoa, đồ, đặt, nhét nơi bệnh cần

Các vị sau phải sưu tầm:

 Đại phong tử với Minh phàn, Bằng sa

Hùng hoàng, Khinh phấn, Thiềm tô

 Tạo giác thích tức gai Bồ kết thôi

Thạch sùng tức Mối rách rồi

 Đảm phàn, Long não mọi người đều mê

Mật đà tăng hay Lô đê

Tỳ ma tử tức Dầu ve, Lục phàn

Duyên đơn, Hùng đởm, Lưu hoàng

 Mộc miết tử với Xà sàng (tử), Ngô công

Bạch lạp là Sáp con ong

Thăng dược – oxit Thủy ngân (HgO) đúng rồi

Tùng hương có ở nhiều nơi

Vị Lô cam thạch xưa thời đã ưng.

 

1. Hùng hoàng còn gọi Minh hùng

Có độc khi dùng thận trọng mới an

Vị cay, đắng, tính lại ôn

Quy vào tâm, thận và can ba đường

 Tác dụng giải độc, sát trùng

 Khu đàm, táo thấp, ở trong tiêu trừ

Chủ trị các chứng ung thư 

Khi bị ghẻ lở ngoài da bôi liền

Trùng độc, rắn cắn trị yên

Đinh sang, ung nhọt chở quên dùng ngoài

 Chữa động kinh, sốt rét hoài

Kiết lỵ, tiêu lỏng, giang mai nên dùng

 Thời gian sắc phải có chừng

 Huyết hư, thai nghén cấm không uống vào.

 

2. Đại phong tử hay Chùm bao (lớn)

Có độc, cay, nóng, quy vào ba kinh

 Là tỳ, can, thận trong mình 

Độc gây nôn mửa nên tinh dùng ngoài

Sát trùng, tiêu độc tuyệt vời

Khu phong, trừ thấp được coi sở trường

Chủ trị phong hủi diệu phương

Giang mai, ghẻ lở, nhọt thường dùng bôi

Chữa bệnh mũi đỏ được lui

Âm hư nội nhiệt thì thôi không dùng.

 

3. Thạch sùng còn gọi Thủ cung

Bích cung, Bích hổ, Thiên long... một loài

Mối rách - Vương Khải chẳng sai

Được dùng làm thuốc cứu đời từ xưa

 Mặn, hàn, hơi độc xin thưa!

Tâm, can hai tạng nó ưa quy vào

 Giúp cho hòn cục tiêu hao 

Trừ phong, giải độc, đau nào cũng tan

Theo như kinh nghiệm dân gian 

Dùng chữa tràng nhạc, dương sang, bôi ngoài

Theo như tài liệu ngoại lai 

Bột Thạch sùng chữa cho người trúng phong

 Thần kinh suy nhược được dùng

Bán thân bất toại, khớp sưng đau nhiều

Trẻ con cam lỵ sẽ tiêu

Nhức đầu, kinh giản cũng đều dùng qua.

 

4. Minh phàn còn gọi Phèn chua

Với tên Phàn thạch, người xưa đã làm

 Vị chua và có tính hàn

Vào phế, tỳ, vị, đại tràng được thông

Ngành Y cả Tây lẫn Đông

Đều dùng làm thuốc ở trong lâm sàng

Tác dụng táo thấp, tiêu đàm

Thanh nhiệt, giải độc và làm ngứa tiêu

Sát trùng, chỉ huyết ích nhiều 

Nhọt, chàm, lở, ngứa dùng đều thấy an

Động kinh, đau họng, dãi đàm

Nục, thổ, tiện huyết, máu cam nên dùng

 Còn chữa băng huyết, da vàng 

Âm hư gây bệnh ta càng phải kiêng

 Uống thì lượng ít chớ quên

Và thời gian uống không nên kéo dài

Còn như liều lượng dùng ngoài

Sao cho vừa đủ, ngâm, bôi... dặt dè.

 

5. Bằng sa còn gọi Hàn the

Ngọt, mặn, tính mát quy về hai kinh

Kinh phế, kinh vị trong mình

Công năng thanh nhiệt và bình phế lao

 Hóa đàm, giải độc, viêm tiêu

Đề phòng thối rữa – ấy điều đặc trưng

Trị miệng, hầu, họng đau sưng 

 Trị khi đờm nhiệt bị ngưng ho nhiều

Tưa lưỡi, hôi miệng sẽ tiêu

 Mồ hôi gây ngứa bôi đều được yên

Trị răng đau nhức, tại viêm 

Uống trong thì nhớ không nên dài ngày

 Nếu dùng thận trọng thì hay 

Vì thuốc có độc không may quá liều

 Dùng ngoài đa số người theo 

Tránh phản ứng xấu là điều đáng khen.

 

6. Lục phàn tên khác Phèn đen

Là một khoáng sản thiên nhiên có mà

Chứa sunfat sắt tối đa

Khoa học đã chế được ra thứ này

Ngành y cả Đông lẫn Tây

 Dùng nó hàng ngày chữa bệnh cho dân

 Chua, chát, tính mát và lành

Lục phàn là thuốc quy kinh can, tỳ

Sát trùng tích trệ tiêu đi

Giải độc, táo thấp, đàm thì được tiêu

 Chủ trị nhiều bệnh đáng nêu

Họng sưng, miệng loét dùng đều được yên

Liều nhỏ được bổ máu thêm

Xuất huyết tiêu hóa cũng nên được dùng

Chữa bệnh thũng trướng, da vàng

Cam tích, ghẻ nấm, thấp sang kéo dài

Tỳ vị hư nhược không xài

Nếu đem dùng ngoài liều lượng tùy nghi.

 

7. Tùng hương còn gọi Tùng chi

Có vị đắng, ngọt, tính thì lại ôn

Không độc và có mùi thơm

Khu phong, táo thấp, tốt hơn sát trùng

Sinh cơ, chỉ thống, bài nùng

Mụn nhọt, ghẻ lở, thường dùng đến luôn

Vết thương do bị dao gươm

Hãy nghiền thành bột Tùng hương bôi vào

 Tùng hương thường nấu thành cao

Dán ngoài trị bệnh, ai nào uống trong.

 

8. Bạch lạp có màu trắng trong 

Còn tên Phong lạp, Sáp ong cùng hàng

 Đó là chất sáp tiết cùng

 Từ mật ong lựa chọn dùng thành thôi

Là chất dinh dưỡng giúp đời

 Dùng làm dược liệu, đẹp người khỏe hơn

 Không độc, vị ngọt, hơi ôn

Tác dụng thu liễm và còn sinh cơ

Trung khí bổ ích thêm ra

Chức năng tỳ, vị trong ta vững vàng

Ngũ tạng cũng được tăng cường

Quá trình lão hóa dễ dàng chậm đi

Chữa vết thương tích diệu kỳ

Chữa chứng tiêu chảy do tỳ nhược hư

Kiết lỵ ra máu uống vô 

 Có thai rong huyết hãy lo tìm dùng

Dùng ngoài chữa lở nhọt ung

Tóc bạc nên lấy Sáp ong trị liền

Nếu dùng Sáp ong thường xuyên

Sẽ giúp da dẻ trở nên mịn màng.

 

9. Duyên đơn còn gọi Duyên hoàng

Có độc và có tính hàn, mặn, cay

Tâm, can thuốc nhập kinh này

Tác dụng giải độc, tốt thay nhuyễn đàm

 Sinh cơ, kinh giản được an 

Chủ trị nhiều bệnh lâm sàng đã qua

Như chữa lở loét ngoài da

 Sát trùng, cầm máu, vị hòa, độc tan

 Còn chữa sốt rét, máu cầm

Uống trong là để chấn tâm, long đờm

Bôi ngoài chóng mọc da non

Thổ huyết, khái huyết Duyên đơn phải cần

Trị được tích tụ thức ăn

Bệnh xích, bạch lỵ cũng dần được yên

 Vì có tính độc cho nên

 Chế thành cao dán ngoài thêm an toàn.

 

10. Khinh phấn có ở Việt Nam

Từ thời cổ đã biết làm được ra

Chế bằng phương pháp thăng hoa

Thủy ngân sunfat (HgSO4) cùng là muối ăn (NaCL)

Vị cay, có độc, tính hàn 

Tác dụng tích tụ tiêu tan, sát trùng

Chữa nhị tiện bí được thông

 Hắc lào, ghẻ độc, nhọt ung dùng ngoài

Đờm dãi tích đọng, giang mai

Phù thũng, bụng trướng phải bài trừ đi

 Theo như quan điểm Tây y

Khinh phấn là thuốc có nguy hiểm mà

Đông y cặn kẽ dặn ta

Không dùng liều lớn sẽ là được yên

Có thai nhất định phải kiêng

Bảo vệ sức khỏe đặt lên hàng đầu.

 

11. Tỳ ma tử – hạt Thầu dầu

Được dùng làm thuốc từ lâu đời rồi

Vị ngọt, cay, dịu bình thôi

 Nó có nhiệt độc chớ coi thị thường

Tác dụng tiêu thũng, bài nùng

Hạt này có độc không dùng uống trong

Còn thêm bạt độc thu công

Chữa ghẻ, mụn nhọt nhức sưng, nên dùng

Chữa sa trực tràng, tử cung

Sót nhau, đẻ khó, liệt vùng mặt ta

 Khi dằm đâm vào thịt da

 Hạt giã bôi đắp dằm qua bình thường.

 

12. Long não còn gọi Dã hương

Triều não, Chương não cùng phường nó thôi

Độc, cay, tính nóng người ơi

Quy kinh tâm, phế đồng thời kinh can

Tác dụng trừ thấp tiêu viêm

Thuốc gây hưng phấn và kiêm sát trùng

Chỉ thống, trừ uế, khiếu thông

Chủ trị cước khí, đau sưng, thấp hàn

Đau do té ngã, nhọt sang

Tây y dùng nó chế làm thuốc tiêm

Để chữa khi bị trụy tim

Uống chữa đau bụng dịu êm dần dần

 Âm hư có sốt không cần

Có độc, dùng phải quan tâm dặt dè.

 

 


Copyright@2019 www.tralaitenanh.com | Thiết kế website : Phương Nam Vina