ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(19)
XIV- THUỐC BỔ
Thuốc bổ Y học cổ truyền
Bao gồm bốn loại có tên rõ ràng
Đó là bổ khí, bổ dương
Bổ âm, bổ huyết trong trường hợp suy
Bổ khí – ích khí kiện tỳ
Tỳ khí, phế khí, hư khuy phải cần
Bổ huyết tức dưỡng huyết âm
Liên quan bốn tạng thận, tâm, can, tỳ
Dùng khi huyết bị kém đi
Căn cứ chứng trạng tùy nghi chọn dùng
Khi chân âm bị suy vong
Bổ âm cho phủ, tạng, mong cân bằng
Nhất là mấy phủ kỳ hằng
Như huyết, tân dịch được tăng sức bền
Dương hư thì phải bổ thêm
Bổ thận dương hãy ưu tiên hàng đầu
Bốn loại bổ liên quan nhau
Bổ sung tác dụng bệnh mau được trừ
Dùng thuốc bổ phải nhớ cho
Muốn có hiệu quả trước lo bổ tỳ
Người hư, chứng mạn nhớ ghi
Liều dùng cần phải thấp đi từ từ
Âm, dương, khí, huyết thoắt hư
Mức dùng lúc đó dự trù liều cao
Muốn bổ khí được dồi dào
Kèm thuốc hành khí thêm vào rất hay
Bổ huyết cũng vậy gia ngay
Các thuốc hành huyết xưa nay đã làm
Tùy theo chứng trạng mà xem
Thuốc bệnh, thuốc bổ có nên hợp cùng
Khi dùng thuốc bổ nói chung
Khu tà, phù chính song song tiến hành
Giúp cho bệnh được khỏi nhanh
Thúc đẩy sức khỏe của mình mạnh lên.
1. Thuốc bổ khí
Thuốc bổ khí như nói trên
Phần khí tạng phủ hư nên bổ vào
Khi thấy suy nhược mệt sao
Người mới ốm khí hao phải cần
Người già khí cũng hư dần
Hoặc người tạng, phủ có phần khí suy
Nhất là tạng phế, tạng tỳ
Hai tạng chủ khí luôn vì mạng sinh
Khỉ là soái huyết rõ rành
Khí kém dẫn đến huyết thành ra hư
Dùng thuốc bổ khí nhớ cho
Gia thuốc bổ huyết hợp vô mới cừ
Trường hợp khí, huyết lưỡng hư
Thì phải song bổ sẽ thu lợi đều
Các thuốc bổ khí có nhiều:
Nhân sâm, Sâm Việt Nam nêu hàng đầu
Đảng sâm, Thái tử sâm sau
Tây dương sâm, Đại Táo tàu, Mật ong
Hoài sơn, Bố chính (sâm) được trồng
Linh chi, Bạch truật, Đinh lăng quê nhà
Di đường hay kẹo Mạch nha
Thổ nhân sâm có ở ta, Hoàng kỳ
Bạch biển đậu bổ vị, tỳ
Cam thảo, Tam thất ngành y rất cần.
1. Nhân sâm trồng gọi Viên sâm
Mọc hoang thì gọi Sơn sâm rõ rành
Vị ngọt, hơi đắng, tính bình
Nhập tâm, tỳ, phế cứu sinh cho đời
Tác dụng bổ khí tuyệt vời
Kiện tỳ, ích phể đồng thời sinh tân
Ích huyết, tăng trí, an thần
Chủ trị nguyên khí hư cần dùng ngay
Trị chứng bị lạnh chân tay
Tỳ hư, ăn kém và gây mệt nhoài
Thoát dương, miệng khát, uống hoài
Suy tim kiệt sức, tâm hồi hộp thêm
Phế hư, ho suyễn hay quên
Nội nhiệt, tiêu khát cũng nên uống vào
Bệnh lâu thân thể gầy hao
Mất máu, choáng ngất phải lao đi tìm
Khi huyết áp thấp ta nên
Uống Nhân sâm sẽ được yên tấm lòng
Tiểu nhi kinh giản nên dùng
Khí huyết không đủ nói chung phải cần
Kiêng kỵ xin có lời răn
Đau bụng, đi lỏng phải ngăn mới lành
Tương úy, ố, phản phải rành
Dùng chung nguy hại ta đành phải kiêng
Nhân sâm phản Lê lô liền
Ghét vị Tạo giác không nên phối dùng
Sợ Ngũ linh chi vô cùng
Sợ La bạc tử, tránh đừng uống chung
Nước chè, Củ cải cũng không
Hiệu lực của thuốc mới mong tốt đều.
2. Đảng sâm “Sâm của người nghèo”
Rẻ tiền, tác dụng cũng đều như Sâm
Tính bình và có vị cam
Quy vào kinh phế, kinh tâm, kinh tỳ
Bổ trung ích khí diệu kỳ
Sinh tân, dưỡng huyết khác gì Nhân sâm
Tỳ, phế hư nhược phải cần
Trị khát, ăn kém, toàn thân mệt nhừ
Dùng khi trung khí bị hư
Thở ngắn, nhịp đập tim như trống dồn
Ho hen, suyễn tức, tiểu đường
Tân dịch, khí huyết kém thường dùng ngay
Kiêng kỵ xin dặn sau đây
Lê lô với Đảng sâm này không chung
Thay thế Nhân sâm khi dùng
Liều lượng có thể gấp chừng hai, ba.
3. Tây dương sâm không ở ta
Có ở Pháp, Mỹ, Canada mọc nhiều
Kinh tâm, phế, thận quy vào
Vị đắng, hơi ngọt khác nào Nhân sâm
Không độc và có tính hàn
Tác dụng bổ khí, dưỡng âm, huyết phần
Còn thêm thanh nhiệt, sinh tân
Thận âm và phế hư cần dùng qua
Khí, huyết hư chớ lo xa
Vì có tác dụng như là Nhân sâm
Còn trị các chứng thương tân
Hư do sinh đẻ tấm thân hao mòn
Dùng Sâm này thấy khỏe hơn
Dương hư, hàn thấp người khôn không xài
Hỏa uất khí trệ đừng nài
Dao sắt, sao lửa tránh thời tốt hơn
Gặp Lê lô cũng tránh luôn
Cho người dùng thuốc không còn phân vân.
4. Sâm bố chính của Việt Nam
Là Nhân sâm tỉnh Phú An nước nhà
Vị ngọt, hơi nhớt, bình hòa
Quy vào kinh phế, cùng là tỳ kinh
Bổ khí, ích huyết cho mình
Sinh tân chỉ khát diệu linh vô cùng
Sao gạo cho tính ôn trung thu
Tỳ vị sẽ được bổ sung mạnh cường
Giúp tiêu hóa được bình thường
Là thành phần của nhiều phương diệu kỳ
Trị khi cơ thể nhược suy
Kém ăn, kém ngủ, người thì còm nhom
Trị chứng ho, sốt nóng cồn
Người khô, táo bón, khát mồm dùng ngay
Làm thông tiểu tiện rất hay
Rối loạn kinh nguyệt – bệnh gây phiền hà
Trị chứng bạch đới quá đa
Các bệnh về phổi, chúng ta phải dùng
Kiêng khem có lời dặn chung
Người hư hàn phải tẩm gừng rồi sao
Sau đó mới được uống vào
Để tránh phản ứng cồn cào ruột gan.
5. Thổ nhân sâm ở Việt Nam
Được trồng và cũng mọc hoang nhiều vùng
Tính bình, vị ngọt dễ dùng
Quy vào tỳ, vị và cùng phế kinh
Công năng: nhuận phế, tân sinh
Bổ trung, ích khí, điều kinh, kiện tỳ
Dùng làm thuốc bổ Đông y
Cơ thể hư nhược nhiều khi phải xài
Váng đầu, hoa mắt, ù tai
Phụ nữ, đới hạ, nhắc ai nên dùng
Tỳ hư, tiết tả nhi đồng
Bệnh phổi ho sốt, ròng ròng mồ hôi
Thổ Nhân sâm dùng thử coi
Tăng cường sức khỏe, bệnh thời sẽ lui.
6. Sâm Việt Nam, một tin vui
Chỉ duy có ở núi đồi Ngọc Linh
Thuộc vào Khu Năm nước mình
“Sâm Khu Năm” được định hình thành tên
Khổ, cam, thơm nhẹ êm êm
Kinh tỳ, kinh phế, nó quen nhập vào
Tác dụng bổ khí rất cao
Kích thích hoạt động dồi dào thêm ra
Lực tăng, trí nhớ thăng hoa
Chức năng tạng phủ có đà mạnh lên
Rễ và củ Sâm Việt Nam
Dùng làm thuốc bổ cho toàn cả thân
Suy nhược cơ thể tìm ăn
Họng viêm và ngộ độc gan rất cần
Xơ vữa động mạch phải mần
Kiêng khem phải nhớ lời răn khi dùng
Người hư hàn phải tẩm Gừng
Lê lô nó kỵ, phối chung là nhầm.
7. Thái tử sâm – Hài nhi sâm
Quy vào tỳ, phế trong thân con người
Tính bình, ngọt, đắng ít thôi
Tác dụng bổ khí đồng thời sinh tân
Tỳ, vị hư yếu phải cần
Phế hư, khái thấu, tinh thần bất an
Nên dùng vị Thái tử sâm
Hồi hộp, mất ngủ, thương tân nên dùng
Còn bổ khí huyết nói chung
Chữa mồ hôi trộm nhi đồng rất hay
Trẻ em sốt kéo dài ngày
Nguyên nhân không rõ thuốc này yên
Phản Lê lô ta phải kiêng
Cho thuốc hiệu quả khỏi phiền là hơn
8. Bạch truật đắng, ngọt, tính ôn
Kinh tỳ, kinh vị nó luôn quy vào
Công năng chủ trị rất cao
Kiện tỳ, ích khí, giữ bào thai yên
Cố biểu, liễm hãn chắc bền
Táo thấp, lợi thủy tạo nền hòa trung
Tỳ, vị hư nhược nên dùng
Chữa tiêu hóa kém có công rất nhiều
Chữa khi bụng trướng khó tiêu
Tiêu chảy, phù thũng cũng đều trị yên
Động thai dùng sẽ được an
Tỳ vị dương kém gây hàn chân tay
Tự hãn, đàm ẩm dùng hay
Âm hư nội nhiệt bỏ ngay không xài.
9. Hoài sơn còn gọi Củ mài
Mọc hoang ở khắp mọi nơi núi rừng
Hiện nay ta cũng có trồng
Tạo nguồn dược liệu chính tông dồi dào
Ngọt, bình không độc quý sao
Tỳ, vị, phế, thận quy vào bốn kinh
Tác dụng bổ thận, sáp tinh
Bổ tỳ, dưỡng vị tân sinh dễ dàng
Bổ phế giải độc được an
Cùng là chỉ tả dưỡng âm tuyệt trần
Chữa tỳ, phế hư phải cần
Chữa tiêu chảy mạn, kém ăn nên dùng
Di tinh, đới hạ, tiểu đường
Ho lao, tiểu rắt cũng thường dùng ngay
Vú sưng giã đắp rất hay
Thực tà thấp nhiệt thứ này không ăn.
10. Hoàng kỳ vị ngọt, tính ôn
Kinh tỳ, kinh phế nó luôn quy vào
Tác dụng bổ khí rất cao
Thăng dương cố biểu mặt nào cũng hay
Tiêu phù, lợi tiểu tốt thay
Trừ mủ, lở loét lâu ngày sinh cơ
Chữa chứng tỳ khí nhược hư
Ăn ít, tiêu lỏng không thư thái người
Chữa khí hư ra mồ hôi
Tỳ không nhiếp huyết kịp thời dùng luôn
Chữa sa nội tạng, đẻ non
Do trung khí thiếu không còn ổn dương
Nhọt độc khó vỡ chữa thường
Trung khí hạ hãm là đường bệnh nguy
Chữa khi khí huyết lưỡng suy
Bán thân bất toại, tê bì chân tay
Di chứng trúng phong dùng ngay
Tiểu đường là bệnh rất hay phải cần
Đới hạ dùng sẽ được ngăn
Bị viêm thận mạn phải chăm tìm dùng
Nếu tà khí vượng xin đừng
Mồ hôi không thấy xin ngừng dùng cho
Dương cang, ăn chán tránh xa
Ở trệ do thấp khí tà chớ ham.
11. Cam thảo tính bình, vị cam
Quy vào kinh phế, kinh tâm ,vị, tỳ
Mười hai kinh cũng thông đi
“Chúa tể dược phẩm” Đông y thường dùng
Tác dụng ích khí bổ trung
Độc trong thực, khoáng, côn trùng giải yên
Điều hòa các thuốc trong đơn
Nhuận phế, chỉ khái, hết cơn đau dồn
"Sinh năng tả, chích năng ôn”
Chữa sưng đau họng, chữa cơn độc hành
Chữa cho mụn nhọt mau lành
Tỳ, vị hư nhược phải nhanh uống vào
Chữa, ho, hen, suyễn rất cao
Mỏi mệt, sức yếu bệnh nào cũng lui
Nhịp tim đập mạnh dùng thôi
Kể cả loạn nhịp chắc rồi sẽ an
Đau dạ dày chữa được yên
Đại tiện bất lợi cũng nên uống liền
Tỳ, vị thấp trệ nên kiêng
Sôi bụng, đầy bụng không nên tìm dùng
Nguyên hoa, Đại kích không chung
Cam toại, Hải tảo không cùng hợp đâu
Hà đồn, Cam thảo phản nhau
Năm vị phản Thảo tránh mau khỏi phiền.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- DƯỢC LIỆU NAM TRÀ CAO HUYẾT ĐẰNG
- CAO GẮM NAM DƯỢC LIỆU CHỮA BỆNH XƯƠNG KHỚP GOUT
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(26)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(25)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(24)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(23)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(22)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(21)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(20)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(16)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(15)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(14)