Giới thiệu về

Giới thiệu

NHÓM "Tri Ân Đồng Đội" CCB- F7-QĐ 4 và CCB P4 Phú Nhuận

* NỖI ĐAU CHIẾN TRANH

Hàng triệu Anh Hùng Liệt Sĩ đã anh dũng hy sinh để Bảo Vệ Tổ Quốc cho Đất nước nở hoa.Nhưng đến nay đã gần nửa thế kỷ,gần hai mươi ngàn ngày nỗi đau của các Mẹ,các Chị,Thân Nhân của những người "Ra đi từ đó không về" chưa được xoa dịu bởi chưa biết các Anh nay đang nằm đâu ???.Chúng tôi chia sẻ cùng Người Đưa Đò mong sớm tìm được các Anh...

Hình ảnh đã thực hiện

Hỗ trợ trực tuyến

hot line
0889256168

Liên hệ quảng cáo

ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(22)

4. Cao ban long – Lộc giác giao

Sừng hươu, nai được nấu cao mà thành

Nó có vị ngọt, tính bình 

Quy vào can, phế, thận kinh trong người

Là thuốc bổ dưỡng tuyệt vời

Bổ huyết, bổ thận đồng thời cường tinh

 Mạnh xương, thai khỏe, phế ninh

Nội thương nhọc mệt uống nhanh phục hồi

Chữa khi lưng, gối mỏi rời

Các bệnh về huyết kịp thời dùng ngay

 Có thai bị yếu dùng hay

Di tinh, tinh yếu, Cao này dùng yên

Chị em kinh bế, muộn con 

Trẻ em chậm lớn ta nên cho dùng

Xuất huyết tiêu hóa, tử cung

Băng, rong kinh hãy uống trong sẽ lành

Ho khan, ho máu uống nhanh

Đạo hãn, đau nhức hoành hành chân tay

 Uống lâu nhan sắc đẹp thay

Nhẹ mình, sức sống càng ngày càng lâu

 

5. Tang thầm - Quả chín cây dâu

Ngọt, chua, tính ấm, có màu đỏ đen

Quy kinh tâm, thận và can

Tác dụng bổ huyết và an tâm thần 

Tư âm, nhuận táo, sinh tân 

Bổ gan, bổ thận, góp phần khu phong

Chữa bệnh thiếu máu có công

Huyết hư tê liệt nên dùng rất hay

 Trị chứng chóng mặt, ù tai

Tóc, râu bạc sớm, nên xài thường xuyên

Di tinh, mất ngủ uống liền

Phiền khát, đái tháo hãy nên uống vào

Chữa khi tân dịch tổn hao

Tràng nhạc, táo bón tuổi cao nên dùng

Tiêu lỏng thì phải coi chừng

Tỳ, vị hư lạnh hãy ngưng uống vào.

 

6. A giao còn gọi Cống giao

Dùng Da lừa nấu thành cao đó mà

Nấu nước giếng huyện Đông A

Sơn Đông – Trung Quốc thế là thành tên

Vị ngọt, mặn, tính bình êm

Quy vào kinh phế, thận, can trong người

Bổ huyết, chỉ huyết tuyệt vời

Tư âm, bổ phế đồng thời an thai

Tác dụng nhuận táo cũng tài

Huyết hư gày yếu mong ai gắng tầm

Các chứng xuất huyết sẽ cầm

Thổ, băng, hoạt huyết sớm màn thì hay

Ho hen, khô họng uống ngay

 Động thai, mất ngủ vị này trị yên

Cũng xin nhắc nhở chị em

Không đều kinh nguyệt cũng nên uống vào

Người già táo bón cần sao

Sản hậu huyết kém A giao phải tầm

Đại tiện đi lỏng không ăn

Tỳ vị suy nhược phải ngăn không dùng.

 

7. Bạch thược thuốc quý vô cùng

 Được dùng chữa bệnh đã từng nghìn năm

Vị chua, đắng, tính hơi hàn

Được quy kinh phế, kinh can, kinh tỳ

 Có nhiều tác dụng đáng ghi

 Dưỡng âm, bổ huyết khi suy rất cần

Bình can, chỉ thống, thư cân

 Điều hòa tỳ, vị và cầm mồ hôi

Lâm sàng đã kiểm nghiệm rồi

 Ngực, sườn, hông, bụng đau thời dùng ngay

Đa hãn, co rút chân tay

Không đều kinh thủy, mặt mày choáng đau

Rong kinh, băng huyết dùng mau

Âm hư phát nhiệt nhắc nhau uống vào

Huyết hư cơ thể xanh xao

Bệnh thai sản, huyết áp cao nên dùng

 Với Lê lô không dùng chung

Ngực, bụng đầy trướng phải ngừng mới an.

 

8. Câu kỷ tử màu đỏ cam

Tính bình, vị ngọt, phế, can, thận vào

Công năng dưỡng sinh rất cao

Tư bổ can, thận đời nào cũng ưa

Giúp cho nhuận phế khỏi ho

Ích tinh, sáng mắt giữ cho thọ trường

 Chữa nội nhiệt gây tiểu đường

Huyết hư, tinh kém tăng cường dùng cho

Đau lưng, choáng váng mắt mờ

Chân tay yếu mỏi, tai ù dùng đi

Những người hư yếu vị, tỳ

Phân sống, phân lỏng ta thì không ăn

 

9. Tử hà sa

Xem phần XIV. Thuốc bổ,

Mục 2. Thuốc bổ dương.

 

10. Long nhãn

 Xem phần VII. Thuốc tức phong– An thần – Khai khiếu,

Mục 2. Thuốc an thần.

 

11. Kê huyết đằng

Xem phần XIII. Thuốc lý huyết,

Mục 1. Thuốc hoạt huyết.

 

4. Thuốc bổ âm

Tư âm hay thuốc bổ âm

 Còn là thuốc dưỡng phần âm suy

Chủ yếu mấy tạng phủ khuy

Phế, tâm, can, vị và tỳ thận âm

Cũng như vài phủ kỳ hằng

Đó là huyết phận và tân dịch rồi

 Chứng hư khi xảy ra thời:

Thuốc bổ âm trị chắc người được yên

Phế hư sốt về chiều, đêm

Đạo hãn, ho máu, khan thêm ít đờm

Vị hư hảo khát, khô mồm

Chân răng chảy máu, miệng còn loét ra

Can hư mắt đỏ, mắt hoa

Ù tai, chóng mặt, quáng gà, thất miên

Thận hư ngũ tâm nhiệt phiền

 Đau lưng, mỏi gối và thêm váng đầu

Di tinh, mệt mỏi, họng đau

Tai ù, miệng ráo, theo sau sốt chiều

Tỳ hư gây mệt mỏi nhiều

Gày còm, táo bón, kém tiêu hóa mà

Tóm lại âm hư chính là:

Hội chứng thể dịch đang đà giảm suy

Dùng thuốc bổ âm nhớ ghi:

Thận trọng người có vị, tỳ lạnh hư 

Cần dùng thì phải nhớ cho

Kiện tỳ, lý khí hợp vô sẽ lành

Thuốc bổ âm thường ngọt, hàn 

Dịch nhầy, béo, nhớt dễ làm trệ ra

Muốn có hiệu quả tối đa

Thuốc bổ khí, huyết nên gia hợp cùng

Sau đây là thuốc thường dùng:

Bách hợp thường gọi Tỏi rừng, Hoàng tinh

Nữ trinh tử – Quả nữ trinh

Mạch môn, Thạch hộc nước mình có dư

Miết giáp mai con Ba ba

Quy bản thường gọi nôm na Yếm rùa

Bắc sa sâm phải đi mua

Thiên môn, Ngọc trúc thêm mùa Mè đen

Bổ âm, Bạch thược đừng quên

Với Câu kỷ tử thường xuyên phải tầm.

 

1. Bắc sa sâm – Liêu sa sâm

Là một vị thuốc bổ âm rất lành

 Vị ngọt, hơi đắng, hơi hàn

Quy vào kinh vị và đàng phế kim

 Công năng ích vị, sinh tân

 Thanh phế, tả hỏa, dưỡng âm, ho cầm

Trị phế táo nhiệt, ho khan 

 Ho lâu, khó khạc do đàm khó ra

 Trị hao tân dịch miệng khô

Huyết táo gây ngứa ngoài da uống liền

 Chân răng chảy máu chớ quên

Là do vị nhiệt hãy nên tìm dùng

Táo bón dùng sẽ nhuận tràng

Bệnh ho do phế bị hàn phải kiêng

 Dùng thuốc luôn phải xét xem

Lê lô tương phản chớ nên hợp cùng.

 

  2. Bách hợp còn gọi Tỏi rừng

Ngọt, nhạt, tính mát vào đường phế, tâm

Tác dụng nhuận phế, dưỡng âm

Bổ trung ích khí, định thần, nhiệt tan

 Còn giúp giải độc, nhuận tràng

Chủ trị nhiều bệnh lâm sàng đã ghi:

Chữa ho mạn tính, âm suy 

Ho máu, thổ máu phải đi tìm dùng

Chữa bệnh mụn nhọt đau sưng

Chữa tim hồi hộp, ngủ không sâu bền

Tinh thần hoảng loạn liên miên

Đau dạ dày mạn, hư phiền dùng hay

 Tỳ, vị hư lạnh kiêng ngay

Lạnh ho, tiện lỏng vị này phải kiêng.

 

3. Thiên môn – củ dây Tóc tiên

Có vị ngọt, đắng, tính thiên về hàn

Bổ âm, thanh phế hóa đàm

Đồng thời dưỡng vị, nhuận tràng, sinh tân

Chủ trị phế táo ho khan

Ho đau tức ngực nhiều đàm dãi ra

Trị đờm lẫn máu, ho gà

Họng khô, miệng khát chúng ta phải cần

Bồi bổ tân huyết, an thần

Khi bị tiêu khát sưu tầm dùng luôn

 Trị khi tân dịch tổn thương

Dẫn đến táo bón là trường hợp nguy

Trị chứng phế, thận âm suy

Thận khỏe, nguyên khí tức thì mãn sung

Tỳ, vị hư lạnh kiêng dùng 

Đại tiện bị lỏng cũng ngừng thì yên.

 

4. Mạch môn – củ cây Lan tiên

Tóc tiên, Xà thảo hay Duyên giới nhà

Mạch môn đồng vị thuốc ta

Môn đồng với Thốn đông là một tên

Tính hàn, hơi đắng, ngọt êm

Quy vào phế, vị và miền tâm kinh

Tác dụng nhuận phế, âm sinh

Trừ phiền, ho giảm, nhiệt thanh, huyết cầm

Nhuận tràng, ích vị, sinh tân 

 Chủ trị phế táo do âm hư nhiều

Trị ho khan, sốt về chiều

 Ho lao, tân dịch ra điều tổn thương

Tâm phiền, mất ngủ, tiểu đường

Trị ho, nôn máu, đại trường táo khô

Trị thiếu sữa cho uống vô

Trị tim nhịp chậm sao cho điều hòa

Tỳ, vị hư lạnh tránh xa 

Đại tiện phân lỏng dùng là không ưa.

 

5. Quy bản tức là yếm Rùa

Nấu cao Quy bản từ xưa đã làm

Có vị ngọt, mặn, tính hàn

Kinh tâm, kinh thận, kinh can quy vào

Tác dụng bổ âm hư hao

Bổ tâm, dưỡng huyết thêm vào tiềm dương

Ích thận, cốt được tráng cường

Giúp sinh tân dịch trong trường hợp hao

Trị chứng âm hư nhiệt trào

 Trị chứng lao nóng hầm vào trong xương

Trị thận hư, đau gối lưng

Ho lâu, đạo hãn nên dùng trị ngay

Trị di tinh, lỵ lâu ngày

Rong kinh, băng lậu chân tay yếu mềm

Chữa trẻ em thóp chậm liền

Tân dịch hao tổn ta nên tìm dùng

Bổ tâm kinh tốt vô cùng

Và chữa mất ngủ, kiện vong, kinh hoàng

Hư hàn, phân lỏng chớ màng

 Thận trọng phụ nữ có mang nếu dùng.

 

6. Hoàng tinh vị thuốc màu vàng

Do tinh khí đất sinh mang tên này

Chế xong màu đỏ đổi thay

Đen giống Thục địa mới hay bị nhầm

Tính bình và có vị cam

Quy vào phế, thận và đàng tỳ kinh

Tác dụng ích thận, thêm tinh

Giúp tâm phế nhuận, âm sinh, kiện tỳ

 Chữa ho do phế bị suy

Tinh huyết bất túc dùng thì tốt lên

Khi bị tiêu khát dùng liền 

Miệng khô, ăn kém chớ quên vị này

Tỳ vị hư nhược dùng hay

Người bị yếu mỏi lâu ngày nên ăn

Nhớ lời kiêng kỵ đã răn

Phế, vị đờm thấp tự thân khước từ.

 

7. Miết giáp còn gọi Giáp ngư

Hay Thủy ngư xác lấy từ Ba ba

Mặn, hàn, không độc nhớ cho

Kinh can, tỳ, phế quy vô ba đường

Tác dụng tư âm, tiềm dương

Trừ nóng âm ỉ trong xương, trưng hà

Giúp cho kinh thủy điều hòa

Thanh nhiệt, tán kết cùng là giảm đau

 Chủ trị sốt rét dài lâu

Âm hư phát sốt nhắc nhau phải dùng

 Trị đau xương, khớp, đau lưng 

Đạo hãn, khí huyết trệ ngưng rầy rà

Trị kinh bế tắc không ra

Động kinh ở trẻ nên cho uống vào

Tiểu ra sỏi sạn khổ sao

Dùng Miết giáp chữa thế nào cũng yên

Tỳ, vị hư lạnh nên kiêng

Tiêu chảy, thai nghén phải kiềng nó ra

 

8. Thạch hộc – Thạch hộc kim thoa

Còn gọi Hoàng thảo cẳng gà, họ Lan

Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn

Vào vị phế, thận ba đàng trong thân

Tác dụng dưỡng vị sinh tân

Chỉ khát, thanh nhiệt, tư âm, nhuận hầu

Chữa ho, khô cổ, họng đau

Âm hư nội nhiệt theo sau khát hoài

Chữa bệnh gày yếu, mệt nhoài

Nóng trong, đạo hãn nhắc ai nên dùng

Chữa chân tay mỏi, đau lưng

Bổ cho ngũ tạng xem chừng mạnh lên

Thiểu năng sinh dục uống liền

Tân dịch hao tổn đừng quên vị này

 Di tinh, ăn kém dùng hay

Chứng hư không nhiệt tránh ngay không cần.

 

 


Copyright@2019 www.tralaitenanh.com | Thiết kế website : Phương Nam Vina