ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(6)
6. Khiên ngưu dây bám hàng rào
Đắng cay, tính lạnh, quy vào ba kinh
Đại tràng, phế, thận trong mình
Tả hạ, tẩy xổ đã kinh nghiệm nhiều
Phù thũng gây suyễn sẽ tiêu
Đàm ẩm khó thở chữa đều được an
Chữa cả sưng mu bàn chân
Bụng có trùng lãi góp phần tẩy xong
Táo bón, tiểu bí uống trong
Chị em thai nghén cấm không được dùng
Khiên ngưu không được dùng chung
Với vị Ba đậu chúng cùng sợ nhau.
2. Thuốc nhiệt hạ
Thuốc nhiệt hạ chữa chứng sau:
Hàn ngưng, tích trệ gây đau bụng hoài
Không khát, nước tiểu trong, dài
Táo bón khó thải kịp thời dùng ngay
Thích ấm, sợ lạnh chân tay
Nhị tràng nhu động giảm gây ưu phiền
Lưu hoàng, Ba đậu dùng liền
Thuốc xổ tính nhiệt giúp yên thân mình.
1. Lưu hoàng còn gọi Diêm sinh
Thận thủy, tâm hỏa hai kinh nhập vào
Tác dụng tả hạ rất cao
Chua, ấm, độc phải xem sao hãy dùng
Chữa được sang lở có trùng
Thận dương hư kém, gối lưng mỏi nhừ
Đại tiện bị táo được trừ
Di tinh, phụ nữ khí hư chữa lành
Trừ được giun sán hoành hành
Liệt dương, chi lạnh góp phần trị an
Âm hư dương thịnh không màng
Phác tiêu với vị Lưu hoàng sợ nhau.
2.Ba đậu dùng ép hết dầu
Nhiệt, cay, phải chú ý khâu tiêu dùng
Quy vào kinh vị, đại tràng
Tây y cùng các thầy lang dụng đều
Bụng phù, cổ trướng cho tiêu
Táo bón, hàn tích phải chiêu vị này
Do hàn tiêu chảy dài ngày
Chữa viêm niêm mạc, dạ dày bụng đau
Phế ung, hầu tý chữa mau
Trẻ em cam tích nhắc nhau phải tầm
Nhọt sưng, lở loét ghẻ chàm
Ba đậu đều có thành phần của thang
Những người hư nhược không màng
Chị em thai nghén lại càng tránh xa
Ba đậu úy Khiên ngưu mà
Hoàng liên, Đỗ đũa đem ra giải liền.
3. Thuốc nhuận hạ
Nhuận hạ – hoãn hạ cùng tên
Dùng thuốc bình, ngọt cho nên nhuận tràng
Phân được truyền tống nhẹ nhàng
Đại tràng khô táo trị càng tốt hơn
Táo bón do dịch khô khan
Của người cao tuổi nên càng quan tâm
Chị em khi có nhâm thần
Sau sinh tân dịch có phần hư hao
Lấy thuốc dưỡng âm phối vào
Đại tiện bí kết thế nào cũng tan
Huyết hư thiếu máu đi kèm
Phối thuốc bổ huyết được xem hợp tình
Táo bón do khi trệ hành
Dùng thuốc hành khí hợp thành diệu phương
Xin kê mấy vị thông thường:
Hỏa ma nhân với hạt Vừng màu đen
Chút chít và Đại dễ tìm
Mật ong, Uất lý nhân kèm Muồng trâu.
1. Mật ong làm thuốc từ lâu
Tính bình, vị ngọt rất giàu mật hoa
Quy vào năm kinh đó là:
Đại tràng, tỳ, vị cùng là phê, tâm
Làm thuốc để bổ toàn thân
Chữa bệnh táo bón tiêu phân nhẹ nhàng
Phế ráo gây bệnh ho khan
Dạ dày cùng với tá tràng loét đau
Chữa lỵ, chữa bỏng thương lâu
Trẻ em tưa lưỡi phải cầu đến ngay
Kiêng khem xin nhớ điều này
Tỳ, vị thấp nhiệt mảy may không dùng
Ngực phiền khó chịu xin đừng
Mật ong rất kỵ Bạch thông đó mà.
2. Vừng đen (Hắc mè) hay Hắc chi ma
Vừa là thuốc quý vừa là món ăn
Tính bình, vị ngọt lại lành
Phế, tỳ, can, thận bốn kinh quy về
Thuốc bổ can, thận miễn chê
Tóc mà bạc sớm Hắc mè dùng hay
Tả hạ, táo bón tốt thay
Giúp tai, mắt sáng Mè này có công
Sau sinh sữa ít hoặc không
Dùng Vừng đen chắc hài lòng chị em
Dùng đều tuổi sẽ thọ thêm
Bền gân, mạnh cốt lại quên đói mà.
3. Chút chít còn gọi Lưỡi bò
Tính hàn, đắng nhẹ vào tỳ, vị kinh
Nhuận tràng, lương huyết tài tình
Táo bón, tích trệ, bụng sình'sẽ tan
Chữa trị nội, chữa da vàng
Nếu bị xuất huyết vị, tràng cầm luôn
Lở, ngứa, mụn nhọt sạch trơn
Hắc lào, đầu chốc hết cơn ngứa mà
Lấy củ hoặc lá giã ra
Hòa giấm bôi đắp quanh ta có nhiều.
4. Hỏa ma nhân hay Gai mèo
Tính bình, vị ngọt nhập theo ba đàng
Là kinh phế, vị, đại tràng
Nhuận hạ, thông tiện nên càng được ưa
Dùng cho người già thể hư
Sau sinh huyết thiếu còn chưa được bù
Gầy nên táo bón đừng lo
Tiểu tiện bất lợi uống vô sẽ hành
Bụng, chân phù nặng tiêu nhanh
Vị nhiệt nôn mửa sẽ thanh kịp thời
Hoạt tinh thì phải kiêng thôi
Huyết dịch thương tổn nếu hơi dùng nhiều.
5. Uất lý nhân cũng dùng đều
Bình, chua, đắng ngọt có chiều dịu êm
Quy kinh đã được nêu tên
Nhị tràng, tỳ thổ xa miền thượng tiêu
Hoạt trường, nhuận táo ích nhiều
Hạ khí, lợi thủy nhờ điều khổ, cam
Theo như kinh nghiệm lâm sàng
Táo bón, sáp, rít, đại tràng không thông
Phù thũng, bụng trướng phải dùng
Phù chi, phù mặt, uống xong rút mà.
6. Đại hay Bông sứ, Chăm pa
Đắng, mát nhập phế, dân ta hay dùng
Thanh nhiệt, tả hạ lợi chung
Nhuận tràng, tẩy xổ, sát trùng mới hay
Chữa được táo bón lâu ngày
Nếu đem sắc, hãm vỏ cây khi dùng
Phù thận chữa kết quả mừng
Ngâm rượu để chữa viêm răng cũng tài
Nếu lấy nhựa Đại bôi ngoài
Chữa lành mụn nhọt và bài chai chân
Người yếu, tiêu lỏng không mần
Mang thai dùng Đại có phần nguy tai
7. Muồng trâu – Muồng lác cùng loài
Hơi đắng, tính mát nhập hai kinh là:
Đại trường, can mộc ấy mà
Nhuận tràng, lợi tiểu, độc tà trị an
Sát trùng và lợi mật, gan
Tiêu viêm, chỉ ngứa, đánh tan nhiệt tà
Khi gan bị bệnh, vàng da
Muồng trâu sao chín hẳn là tốt hơn
Táo bón dùng sống trị luôn
Hắc lào, lở ngứa không còn lo chi
Giã lá, chà sát tức thì
Có thai cấm kỵ phải ghi vào lòng.