ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(4)
8. Trần bì – vỏ quýt để lâu
Ấm, the, cay, đắng, tinh dầu thơm thơm
Vào kinh tỳ, phế nhiều hơn
Tác dụng làm thắt cơ trơn vị, tràng
Thông khí, táo thấp, hóa đàm
Tiêu được tích trệ, tỳ càng mạnh ra
Chủ trị nhiều bệnh được qua
Ngực, bụng đau trướng; ho ra đờm nhiều
Nôn mửa, ăn uống khó tiêu
Tiết tả, sốt rét hãy kêu Trần bì
Ăn xong vỏ quýt cất đi
Để lâu cho vị Trần bì quý thay
Trần bì nếu uống dài ngày
Hại đến nguyên khí điều này nhớ ghi.
4. Thuốc thanh nhiệt lương huyết
Huyết nhiệt vọng hành giải đi
Là phép cầm máu, khỏi suy sức người
Một khi nhiệt nhập huyết rồi
Thường có lưỡi đỏ, đồng thời sốt cao
Gây chứng xuất huyết khổ sao
Dùng thuốc mát huyết đưa vào trị luôn
Vừa giúp hạ nhiệt tốt hơn
Vừa tránh mất nước, qua cơn hiểm nghèo
Âm hư nội nhiệt nên theo
Dùng thuốc thanh nhiệt chữa đều thành công
Xin nêu các vị thường dùng:
Tê giác, tục gọi là sừng Tê ngưu
Sinh địa lương huyết tối ưu
Bạch mao căn có rất nhiều quanh ta
Mẫu đơn bì (hay) Phú quý hoa
Huyền sâm, Xích thược, cùng là Bạch vi
Sài hồ, thuốc quý Đông y
Chức năng gan kém, nhiều khi phải cần.
1. Tê giác chua, đắng, mặn, hàn
Vào kinh vị, thận, tâm, can bốn đường
Thanh nhiệt cho huyết được lương
Nhiệt vào dinh huyết gây cuồng, mê man
Các chứng xuất huyết, phát ban
Dùng bài “ Tê giác địa hoàng” trị ngay
Thanh hóa, tráng thủy tốt thay
“Âm bình dương bí” hết gây tâm phiền
Khi dùng ta nhớ phải kiêng
Nếu không thực nhiệt chớ nên uống vào
Tê giác kỵ Thảo ô đầu
Có thai thận trọng nhắc nhau khi dùng.
2. Sinh địa hay Sinh địa hoàng
Vào kinh tâm, thận, tiểu tràng và can
Có vị ngọt, đắng, tính hàn
Thanh nhiệt lương huyết có phần tư âm
Bổ thận và giúp sinh tân
Nhiệt nhập dinh huyết ta cần uống nhanh
Do nhiệt bức huyết vọng hành
Gây ra xuất huyết bệnh tình nguy nan
Táo bón, tiêu khát, phát ban
Viêm khớp dạng thấp lo toan tìm dùng
Tỳ hư tiêu lỏng xin đừng
Uống vào gây trệ nên không an toàn.
3. Mẫu đơn bì đắng, cay, hàn
Ba kinh tâm, thận và can quy vào
Thanh nhiệt lương huyết tốt sao
Hoạt huyết tán ứ chữa vào bệnh sau:
Bế kinh tích huyết thương đau
Kinh thủy bất nhất, nhức đầu, mắt hoa
Là do can nhiệt gây ra
Trị viêm phần phụ, phụ khoa hay dùng
Huyết áp cao uống sẽ dừng
Hành kinh phát nhiệt xem chừng cũng lui
Phát ban, xuất huyết chữa rồi
Kinh can uất hỏa ta thời dùng ngay
Tỳ hàn với người có thai
Ra nhiều kinh nguyệt không xài được đâu.
4. Xích thược làm thuốc từ lâu
Hơi lạnh, chua, đắng, có màu đỏ thâm
Quy kinh tỳ thổ, mộc can
Thanh nhiệt lương huyết, tiêu tan huyết tà
Chủ trị nhiều bệnh đó là:
Thổ, nục, tiện huyết, trệ mà bế kinh
Nhiệt ngứa, ung nhọt chữa lành
Thống kinh, té ngã, giúp hành kinh yên
Kinh nhiều, không ứ trệ nên
Không dùng thì sẽ đỡ phiền cho ta
Xích thược tương phản Lê lô
Nên hai thứ đó không cho hợp vào.
5. Bạch mao căn hay Bạch mao
Tính hàn, vị ngọt, quy vào các kinh:
Tâm, tỳ, phế, vị trong mình
Lương huyết, chỉ huyết, nhiệt bình rất hay
Chủ trị các bệnh sau đây:
Máu cam, thổ huyết, dạ dày nóng ran
Tiêu trừ phục nhiệt trong thân
Hoàng đản, tiểu tiện khó khăn, phù nề
Phế nhiệt, suyễn cấp và ho
Nội nhiệt phiền khát uống vô đỡ liền
Hư hàn thực nhiệt phải kiêng
Có thai nhắc nhở chị em không cần.
6.Huyền sâm
Xem phần II. Thuốc thanh nhiệt,
Mục 2. Thanh nhiệt tả hỏa.
7. Sài hồ vị ngọt, đắng, hàn
Tâm bào, can, đởm cùng đàng tam tiêu
Thanh nhiệt lương huyết rất nhiều
Sốt cao, kinh thủy không đều chữa ngay
Âm hư, sốt rét lâu ngày
Cốt chưng và trẻ còm gầy, nhiệt can
Sốt gây chảy máu sẽ cầm
Chữa viêm mật với viêm gan thừa tài
Thông kinh, kinh thủy kéo dài
Hoa mắt, chóng mặt, ù tai đều lành
8. Bạch vi đắng, mặn, tính hàn
Quy vào kinh vị một đàng mà thôi
Thanh nhiệt lương huyết tuyệt vời
Chủ trị các bệnh dưới thời kê khai:
Âm hư gây sốt kéo dài
Tiểu buốt, tiểu máu tính bài chữa luôn
Sản hậu hư nhược buồn nôn
Máu cam, ngạt mũi, loét mồm, họng viêm
Điều hòa đường huyết không yên
Bạch vi dược thiện hãy nên dụng mà
5. Thuốc thanh nhiệt giải thử
Thanh nhiệt để giải thử tà
Chữa cảm thử nhiệt gây ra cho người
Triệu chứng sốt có mồ hôi
Đau đầu, khát nước, tiểu thời vàng lên
Trúng thử – say nắng cùng tên
Say nóng cũng vậy làm phiền thân ta
Dùng thuốc thanh nhiệt trị mà
Đặc điểm ngọt nhạt, bình hòa hoặc lương
Sinh tân chỉ khát dễ thương
Xin nêu một số vị đương dùng là:
Hà diệp tức Lá sen nhà
Hoắc hương, (Bạch) Biển đậu nước ta có trồng
Hương nhu trắng, tía thơm nồng
Đậu quyển, Dưa hấu trừ xong nhiệt tà.
1. Hà diệp vị thuốc quanh ta
Lá sen, lá của Quốc hoa nước mình
Dịu thơm, vị đắng, tính bình
Ba đường tỳ, vị, can kinh nhập cùng
Thanh nhiệt giải thử phải dùng
Thăng thanh, tán ứ ngang cùng “thuốc tiên”
Chữa được nhiều bệnh thường quen
Uống khỏi tiêu chảy và yên đau đầu
Hành thủy, tán ứ trị mau
Huyết băng, thổ, nục: vò nhàu, sao đen.
2. Đậu quyển chế từ Đậu đen
Ngọt, bình, giải thử thường xuyên phải dùng
Quy kinh tỳ, vị mát lòng
Nếu không thấp nhiệt thì không ăn vào
Chữa ôn, thấp thử tốt sao
Cảm mạo biểu hiện sốt cao phải cần
Tê đau ê ẩm có gân
Tiểu tiện không lợi góp phần trị thông
Đầu đau nhức bởi tại phong
Táo bón do nhiệt ở trong đại tràng
Đậu quyển chữa lợi mọi đàng
Lợi vì vừa thuốc vừa làm thực đơn.
3.Dưa hấu
Xem mục 2. Thanh nhiệt tả hỏa
4. Hoắc hương ấm, đắng, mùi thơm
Vào tỳ, phế, vị, giải cơn cảm nồng
Chữa được nên mua không dừng
Điều hòa tỳ vị, sát trùng ruột cao
Trị tiêu chảy, bụng cồn cào
Hóa thấp, hành khí đau nào cũng nguôi
Giải thử nhiệt, chữa miệng hôi
Giải nhiệt lương huyết, làm vơi bụng đầy
Thăng thanh, giáng trọc rất hay
Người mắc các chứng dưới đây không dùng
Dạ dày uất nhiệt coi chừng
Âm hư không thấp chớ mong tìm tòi.
5. Hương nhu, Trắng – tía cùng nòi
Thơm, cay, tính ấm, khắp nơi đều trồng
Kinh phế, tỳ, vị nhập thông
Thanh nhiệt giải thử nóng bừng ngoài da
Chữa cảm nóng, sốt nữa mà
Tiêu lỏng, chuột rút chữa là khỏi mau
Lợi thấp, hành thủy, nhức đầu
Đau bụng, nôn mửa nhắc nhau uống cùng
Giải thử cho hãn được thông
Miệng hôi khó chịu nếu dùng thơm ngay
Kiêng kỵ xin dặn sau đây
Biểu hư đa hãn cấm ngay không xài.
6. Bạch biển đậu – Đậu bạch mai
Chọn hột màu trắng xong rồi phơi khô
Hai kinh phế, vị quy vô
Ngọt, ôn, không độc, nhớ cho điều này
Tả lỵ dùng nó trị ngay
Cảm nắng, say rượu giải hay vô cùng
Bổ tỳ, hạ khí, hòa trung
Phiền khát, xích bạch đới dùng sẽ yên
Giải độc, trúng độc Nhân ngôn
Ăn vào: tóc bạc, ọe nôn khỏi dần.
III. THUỐC LỢI THỦY THẨM THẤP
Thuốc trị nội thấp rất cần
Để đưa nước đọng trong thân ra ngoài
Chủ yếu phân loại làm hai
Kiện tỳ vị để trừ loài thấp đi
Vị cay tính ấm thơm ghê
Quy kinh tỳ, vị ôn về trung châu
Lợi thủy thẩm thấp tiếp sau
Tính bình, ngọt , xen khâu đắng hàn
Thông lâm, lợi thủy được an
Trường hợp thấp nhiệt nên bàn phối thêm
Với thuốc thanh nhiệt đi kèm
Trường hợp hàn thấp nên xem kỹ càng
Để phối với thuốc khu hàn
Thấp do hàn, nhiệt sẽ tan tức thì
Tỳ hư phối thuốc kiện tỳ
Phế khí ủng trệ thống đi sẽ lành
Hợp thuốc tuyên phế chữa nhanh
Thông điều thủy đạo, khí hành mới an
Thận không khí hóa bàng quang
Lấy bổ tỳ, thận để làm cho yên
Thường dùng dược liệu có tên:
Phục linh, Trạch tả, Sa tiền (tử), Mộc thông
Kim tiền thảo – Cỏ vẩy rồng
(Đại) Phúc bì, Ý dĩ có trồng nhiều nơi
Râu mèo, Thông thảo sẵn rồi
Tỳ giải, Thương truật giúp người giảm đau
Trư linh, Thảo quả tiếp sau
Đậu đỏ, Hoạt thạch và Râu ngô nhà
Biển súc, Thạch vĩ quanh ta
Đăng tâm thảo, Hải kim sa gần mình.
1. Phục linh còn gọi Bạch linh
Là một loại nấm ký sinh rễ Tùng
Tính bình, ngọt nhạt khi dùng
Vào tỳ, vị, thận, phế cùng tâm kinh
Lợi thủy thẩm thấp rất linh
Tiểu tiện bất lợi bệnh tình khổ đau
Chữa phù, đàm ẩm khỏi mau
Hồi hộp, mất ngủ nhắc nhau nên dùng
Tỳ hư, tiêu chảy trị xong
Phục linh bì cũng giúp thông tiểu mà.
2. Trạch tả mọc ở nước ta
Những nơi ẩm ướt như là đầm hoang
Có vị ngọt nhạt, tính hàn
Nhập vào can, thận, bàng quang thông đều
Lợi thủy thẩm thấp ích nhiều
Phù thũng, viêm thận sẽ tiêu dần dà
Tiểu khó, tiết tả sẽ qua
Đau đầu, hoa mắt trị là sẽ thông
Chữa di tinh tốt, nên dùng
Nếu không thấp nhiệt xin đừng xài nghe!
3. Sa tiền tử – hạt Mã đề
Ngọt, hàn, mọc khắp miền quê nước nhà
Lợi thủy thẩm thấp tốt mà
Vào can, thận, phế là ba kinh liền
Chữa màng tiếp hợp bị viêm
Tiểu tiện bất lợi hãy nên kíp dùng
Phù thũng, thấp tả sẽ ngưng
Hoạt thai, châu dựng vui lòng chị em
Trừ đàm, họ hắng trị yên
Cổ tinh, ích thận tất nhiên thỏa lòng
Thanh nhiệt làm nước tiểu trong
Có thai cẩn thận nếu không sẽ phiền.
4. Kim tiền thảo còn có tên:
Mắt trâu hay gọi Đồng tiền lông tơ
Lợi thủy thẩm thấp công to
Sỏi thận, sỏi mật uống vô sẽ lành
Có vị ngọt, mặn, tính hàn
Nhập can, đởm, thận, bàng quang bốn đường
Chữa bí tiểu tiện, da vàng
Sau sinh phù thũng các nàng uống ngay
Chữa mụn, ung nhọt cũng hay
Vị Kim tiền thảo là cây dễ tìm.
5. Đăng tâm thảo – Cỏ bấc đèn
Y văn ghi nhận có tên lâu rồi
Tính hàn, ngọt, nhạt dễ coi
Tiểu tràng, tâm, phế nó thời nhập kinh
Lợi thủy, trừ thấp rất linh
Tiểu bí, tiểu buốt phải nhanh uống vào
Buồn phiền không ngủ mệt sao
Dạ đề, hầu tý, sốt cao chữa liền
Nôn do vị nhiệt hãy nên
Tìm kiếm Bấc đèn uống sẽ dịu an.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- DƯỢC LIỆU NAM TRÀ CAO HUYẾT ĐẰNG
- CAO GẮM NAM DƯỢC LIỆU CHỮA BỆNH XƯƠNG KHỚP GOUT
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(26)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(25)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(24)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(23)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(22)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(21)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(20)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(19)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(16)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(15)