ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(12)
IX. THUỐC CỐ SÁP
Cố sáp – là giữ cho bền
Chữa mồ hôi xuất liên miên phải cầm
Chữa tiểu nhiều nước, nhiều lần
Chữa tiêu chảy mạn, đái dầm được êm
Di tinh, đới hạ trị yên
Chảy máu, vết loét khó liền trị ngưng
Chữa sa sinh dục, trực trường
Đây là loại thuốc thông thường trị tiêu
Khi dùng phải nhớ một điều
Phối thuốc trị bản nếu yêu cầu cần
Căn cứ tác dụng tính năng
Chia thuốc cố sáp ba phần như sau:
Cầm mồ hôi tức hãn thâu
Cổ tinh, sáp niệu là khâu rất cần
Sáp trường chỉ tả huyết cầm
Khi dùng thì phải xét phân cho tường
Những điều cấm kỵ khi dùng:
Nhiệt gây hãn chứng xin đừng có thu
Tiêu lỏng (do) thực nhiệt gây ra
Không dùng thuốc hãm cho ta yên lòng
Khi sỏi niệu, viêm bàng quang
Không dùng thuốc sáp tiểu càng lợi hơn.
1. Thuốc liễm hãn
Loại thuốc liễm hãn bao gồm
Liên quan tấu lý có bền chắc không
Sinh ra chứng hãn chảy ròng
Vong dương dẫn đến là vòng nguy nan
Dùng thuốc liễm hãn dẹp tan
Có thể phối thuốc trấn an tâm thần
Bổ dương, thanh nhiệt nếu cần
Nhóm thuốc liễm hãn thành phần như sau:
Ngũ vị tử, ghi hàng đầu
“Thần nông bản thảo” từ lâu dùng rồi
Ma hoàng căn – rễ nó thôi
Tiểu mạch họ lúa nhiều đời dùng qua
Mẫu lệ từ vỏ Hầu ra
Long cốt định phách giúp ta an hồn.
1. Ngũ vị tử – Quả nắm cơm
Mặn, chua là chính, tính ôn và lành
Quy năm tạng – đủ ngũ hành
Cố biểu, liễm hãn, sinh tân khát đình
Liễm phế, tư thận, sáp tinh
Chỉ ho, định suyễn, tâm ninh an thần
Lâm sàng nghiệm thấy tuyệt trần
Do hư phát hãn ta cần chữa ngay
Phế hư, họ suyễn bệnh này
Phải dùng Ngũ vị chua may mới dừng
Di, hoạt tinh chữa muốn ngừng
Cứ cho tư thận là lòng được yên
Chữa khát âm hư gây nên
Chữa tiêu chảy mạn, thất miên mộng nhiều
Biểu tà, lý nhiệt kiêng đều
“Sinh tả, thục bổ” sách nêu rõ ràng.
2. Ma hoàng căn – rễ Ma hoàng
Ngọt, bình, tác dụng bảo toàn mồ hôi
Trên lâm sàng áp dụng rồi
Mồ hôi tự chảy dùng thời đỡ ngay
Chữa mồ hôi trộm cũng hay
Dùng rễ, dùng đốt của cây Ma hoàng
Phối với mấy vị thành thang
Phù tiểu mạch, Mẫu lệ nung, Hoàng kỳ
Bạch truật, Cam thảo, Quế chi
Đương quy sắc uống hãn thì cầm ngay
Bỏ thân dùng rễ mới hay
Thoát hãn, chấm dứt qua ngày vong dương.
3. Phù tiểu mạch ngọt, mặn, lương
An thần liễm hãn, quy đường phế kim
Ích khí, trừ nhiệt đáng tin
Đã được ứng dụng ở trên lâm sàng
Tự hãn, đạo hãn chữa cầm
Vật vã ít ngủ chữa cần định tâm
Khạc huyết, rong huyết trị yên
Chữa xương nóng nhức, cảm phiền ngũ tâm
Miệng khô khát do thiếu âm
Tiểu rắt, ít, đỏ, sốt cần dùng ngay.
4. Long cốt
Xem phần VII. Thuốc tức phong, an thần khai khiếu.
5. Mẫu lệ
Xem phần VII. Thuốc tức phong, an thần khai khiếu.
2. Thuốc cố tinh sáp niệu
Thuốc cố sáp ích lợi thay
Củng cố tinh dịch không gây xuất bừa
Do thận hư yếu gây ra
Di, hoạt, tảo tiết tinh và liệt dương
Tiểu nhiều quá mức bình thường
Do “tiên thiên” kém nên đường tiểu sai
Ngủ mê, nên đái dầm hoài
Phụ nữ bạch đới kéo dài, huyết rong
Các chứng trên mới kể xong
Lấy thuốc cố sáp mà dùng cho yên
Thuốc cố sáp có các tên
Liên tu còn gọi Tua sen bỏ đầu
Tổ bọ ngựa trên cây dâu
Tang phiêu tiêu đó như nhau một loài
Ngũ bội tử với Ô mai
Kim anh tử cả Đông – Tây dùng rồi
Phúc bồn tử – Quả mâm xôi
Sơn thù, Khiếm thực được coi rất cần
Ích trí hay Ích trí nhân
Lâm sàng ứng dụng nhiều lần thăng hoa
1. Kim anh tử tính bình hòa
Có vị chua, chát vào ba kinh liền
Đó là tỳ, thận, phế kim
Cố tinh, sáp niệu ghi lên hàng đầu
Sáp trường, chỉ tả nhiệm màu
Dùng chữa: di, hoạt tinh mau xuất càn
Chữa tiểu nhiều với đái dầm
Chữa tả lỵ mạn, lại cầm mồ hôi
Khí hư bạch đới chữa rồi
Tử cung sa xuống uống thời sẽ an
Chữa cả chứng sa trực tràng
Thấp nhiệt, tiểu bí khuyên can không cầu.
2. Tang phiêu tiêu ở cây dâu
Là Tổ bọ ngựa nó bâu mà thành
Có vị ngọt, mặn, tính bình
Tạng can, tạng thận hai kinh quy vào
Bổ thận giữ tinh khỏi hao
Thông kinh, sáp niệu, hư lao, hãn cầm
Trên lâm sàng thấy rất cần
Chủ trị nhiều bệnh khỏi phần nguy nan
Chữa được tiểu tiện liên miên
Chữa mồ hôi trộm trẻ em đái dầm
Mộng di, đới hạ chữa cầm
Phải làm tiêu tán, ngũ lâm trưng hà
Âm hư hỏa vượng tránh xa
Bàng quang có thấp nhiệt tà tránh đi.
3. Phúc bồn tử hay Bồng luy
Ngọt, chua, tính ấm và quy hai đàng
Đó là kinh thận, kinh can
Cố tinh, sáp niệu, giúp gan, thận cường
Đã được ứng dụng lâm sàng
Chữa sinh lý yếu của nam khỏi phiền
Bệnh di, tinh hoạt, dương mềm
Đái dầm, tiểu khó ta liền uống xem
Làm cho râu tóc xanh đen
Thụ thai được dễ, chị em hãy tường.
4. Ngũ bội tử – Bách trùng thương (sương)
Quy vào phể, thận, đại trường ba kinh
Vị chua, chát, mặn, tính bình
Liễm phế, giáng hỏa, cố tinh, sáp tràng
Liễm hãn, chỉ huyết, khu đàm
Ứng dụng lâm sàng kết quả diệu linh
Như trị đái dầm, di tinh
Các chứng xuất huyết trong mình chữa luôn
Chữa tả lỵ mạn, lòi dom
Phế hư cửu khái cũng còn chữa yên
Chữa cả răng lợi bị viêm
Vết thương, mụn nhọt, ta nên đắp ngoài
Kiêng kỵ xin dặn mấy lời
Nếu vì ngoại cảm ho thời phải kiêng
Hoặc đang bệnh tả phải xem
Không hư mà dụng vừa phiền vừa lo.
5. Ô mai chế từ quả mơ
Chua chát, tính ấm ăn vô cũng lành
Nhập can, tỳ, phế, đại tràng
Tác dụng liễm phế, sát trùng, sinh tân
Còn giúp cho ruột được săn
Chủ trị các bệnh có phần được yên
Chữa chứng khát nước, buồn phiền
Chữa ho mạn tính và kèm họng đau
Chữa bệnh tả lỵ đã lâu
Giun quấy, nôn mửa cũng mau yên bình
Đới hạ, băng lậu, nguyệt kinh
Nhị tiện ra huyết trọng khinh chữa lành
Chưa giải biểu, lý thịnh hành
Gặp chứng như thế ta đành tránh đi.
6. Sơn thù du, hay Táo bì
Có vị chua, chát tính thì hơi ôn
Quy vào kinh thận, kinh can
Thu liễm, cố sáp, bổ gan thận bền
Nhiều bệnh đã chữa được yên
Chữa can, thận yếu và kèm dương nuy
Tai ù, tai điếc, hoạt, di
Chữa đau lưng, gối, chữa đi tiểu nhiều
Chữa bị đái rắt cho tiêu
Kinh thủy ra nhiều cũng chữa được ngay
Mồ hôi ra lắm rất rầy
Phong, hàn, thấp, tý cũng hay lấy dùng
Thấp nhiệt, tiểu khó xin đừng
Uống vào bất lợi nếu ngừng sẽ yên.
7. Liên tu còn gọi Tua sen
Tính bình, ngọt, sáp, thận, tâm quy vào
Sáp tinh, ích thận tốt sao
Thanh tâm, chỉ huyết chữa bao bệnh tình
Chữa chứng di, mộng, hoạt tinh
Chữa bệnh thổ huyết, băng kinh được cầm
Chữa đái nhiều với đái dầm
Mất ngủ chữa để thận, tâm giao hòa
Suy nhược, táo bón tránh xa
Tiểu tiện, bí rít chúng ta không màng
Nó kỵ Hành, Tỏi, Địa hoàng
Nếu kiêng kỵ tốt sẽ an cho mình.
8. Khiếm thực ngọt, chát, tính bình
Tạng tỳ, tạng thận hai kinh quy vào
Bổ tỳ, ích thận tốt sao
Trừ thấp, sáp niệu khỏi trào, cố tinh
Dùng chữa được nhiều bệnh sinh
Chữa bệnh hoạt, mộng, di tinh được cầm
Chữa đi tiểu tiện nhiều lần
Đái dục, đới hạ, đái dầm phải ngưng
Chữa tiết tả, đau gối lưng
Mồ hôi ra lắm chữa ngừng rất hay
Kiêng kỵ xin dặn dưới đây
Đại tiện, bí kết tránh ngay không cần.
9. Ích trí tức Ích trí nhân
Cay, ôn vào thận, vào tâm, vào tỳ
Cố tinh, sáp niệu diệu kỳ
Chỉ tả, ôn thận, ôn tỳ ấm trong
Khai uất kết, khí tuyên thông
Sức ăn thêm mạnh, dẹp xong dãi đàm
Đã được ứng dụng lâm sàng
Chữa bệnh đau bụng cảm hàn gây nên
Chữa nhiều đờm dãi được yên
Chữa đi tiểu vặt, đái đêm, đái dầm
Di tinh, đới hạ chữa cầm
Trúng hàn thổ tả, huyết băng, nôn càn
Đó là kết quả lâm sàng
Đúng là Ích trí dân gian tin dùng.
3. Thuốc sáp trường chỉ tả
Dùng thuốc chỉ tả sáp trường
Tỳ vị hư nhược giảm đường công năng
Vận hóa thủy cốc khó khăn
Đình lại thành thấp lưu trong đại tràng
Gây tiêu chảy mạn, thoát giang
Tỳ dương hạ hãm, khí càng yếu thêm
Thuốc cầm ỉa chảy đừng quên
Phối hợp với thuốc tạo nên kiện tỳ
Thuốc gồm có Xích thạch chi
Ô tặc cốt, Thạch lựu bì, Ổi, Sim
(Nhục) Đậu khấu, Liên nhục – hạt Sen
Ô mai, Kha, Khiếm chớ nên xem thường.
1. Sim gọi là Đào kim nương
Nụ: bình, chát, đắng, đại trường quy kinh
Chỉ lỵ, chỉ huyết, nhiệt thanh
Lợi thấp, giải độc, tiêu nhanh phong tà
Quả sim chỉ lỵ, sinh cơ
Cố tinh, dưỡng huyết giúp cho thân cường
Lá: giúp cầm máu vết thương
Tiêu chảy, đau bụng uống thường giảm ngay
Tiêu nhọt trừ mủ dễ thay
“Muốn ăn sim chín vào ngay trong rừng”
Quả chữa được bệnh thoát giang
Điều trị thiếu máu có mang khi cần
Sau ốm suy nhược tấm thân
Di tinh, băng huyết trị cầm được thôi
Tiêu chảy trên đã nói rồi
Ù tai, kiết lỵ, quả thời tìm nhanh.
2. Ổi đắng, chát, ấm nhưng lành
Quy vào kinh vị và kinh đại trường
Thanh tràng, chỉ tả, sát trùng
Các bộ phận ổi đều dùng rất hay
Quả, lá, búp, vỏ, rễ cây
Kể cả rộp Ổi cũng hay được mần
Trị tiêu chảy, Ổi góp phần
Quả xanh sắc uống thì ngăn bệnh liền
Lá, búp có tác dụng riêng
Đi ngoài cấp, mạn chữa yên là thường
Lá chữa cầm máu vết thương
Nếu ăn quả chín nhuận trường rất hay
Làm săn da, lở ngứa bay
Tiêu hóa thuận lợi biết ngay kiện tỳ.
3. Thạch lựu bì – Toan lựu bì
Chua, sáp, tính ấm và quy hai đàng
Đại tràng và vị rõ ràng
Tác dụng chỉ tả, sáp tràng, ngừng sa
Sát trùng, chỉ huyết rất ưa
Chữa được nhiều bệnh từ xưa đã làm
Tả lỵ, tinh hoạt chữa cầm
Chữa băng huyết, sa trực tràng, khí hư
Đại tiện ra huyết uống vô
Các loài giun sán trị cho tiệt trùng
Tả lỵ mới phát không dùng
Vỏ, thân, cành, rễ coi chừng độc nguy
Người yếu, thai nghén, thiếu nhi
Không được dùng nó tức thì được yên.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- DƯỢC LIỆU NAM TRÀ CAO HUYẾT ĐẰNG
- CAO GẮM NAM DƯỢC LIỆU CHỮA BỆNH XƯƠNG KHỚP GOUT
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(26)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(25)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(24)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(23)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(22)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(21)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(20)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(19)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(16)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(15)