ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(1)
ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA
I.THUỐC GIẢI BIỂU
Tùy theo tác dụng tính năng
Chia làm hai loại phải chăng cho tường
"Tân ôn giải biểu " tính thường
Cay, ấm, phát tán khí phong, hàn tà
"Tân lương giải biểu" thường là
Mát, cay, phong nhiệt ngoài tà trị yên
Cơ thể suy nhược gia thêm:
Trợ dương, ích kỉ và kèm tư âm
Khu tà phù chính sẽ an
Tân lương giải biểu ta cần phối thêm:
Thanh nhiệt giải độc cho êm
Công năng, tác dụng sẽ bền chắc hơn.
1.Thuốc tân ôn giải biểu
Nội dung giải biểu tân ôn
Vị cay, tính ấm quy dồn phế kinh
Công năng chung rất rõ ràng,
Phát hãn và tán phong hàn, cảm ngưng
Giải biểu làm dương khí thông
Thông kinh hoạt lạc, thống đông chẳng còn
Chủ trị cảm mạo, phong hàn
Gây sốt, sốt nặng, rét run, đau mình
Nhức đầu, ngạt mũi, lạnh kinh
Dùng thuốc cay ấm bệnh tình sẽ tan
Tân ôn giải biểu bao hàm:
Phòng phong, Khương hoạt, Ma hoàng, Quế chi,
Sinh khương, Bạch chỉ, Tân di
Tía tô, Hành trắng Đông y hay cần
Hương nhu, Cảo bản, Tế tân
Hồ tuy (Rau mùi), Kinh giới rau ăn đậm đà.
1.Quế chi cay, ngọt, ôn hòa
Quy kinh tâm, phế, cùng là bàng quang
Dùng chữa cảm mạo, phong hàn
Làm thông dương khí, trệ đàm rất hay
Phong hàn đau khớp dùng ngay
Bế kinh, huyết ứ vị này trị xong
Khai tâm, lợi phế, tiểu thông
Âm hư, hỏa vượng thì không nên dùng
Thấp nhiệt, xuất huyết cũng đừng
Chị em thai nghén hãy cùng tránh xa.
2.Ma hoàng cay, đắng, ôn mà
Quy vào kinh, phế, cùng là bàng quang
Vào cả kinh tâm, đại tràng
Giải biểu phát hãn vào hàng thuốc hay
Bình suyễn, chỉ khái mạnh thay
Tiêu phù, lợi tiểu vị này dùng siêu
Biểu hư mồ hôi ra nhiều
Người cao huyết áp ta đều phải kiêng
Rễ Ma hoàng-vị "thuốc tiên"
Tăng xông, Bí hãn, hãy nên xem dùng
3.Sinh khương thân rễ cây gừng
Vị cay, hơi ấm, ôn trung diệu kỳ
Vào ba kinh phế, vị, tỳ
Tùy cách bào chế tên thì khác nhau
Bào, can, thán, ổi khác màu
Tán hàn, phát biểu rất mau liệu dùng
Thông mạch , khai khiếu, trừ phong
Hồi dương, cứu nghịch, ôn trung, hạ đàm
Say xe, bụng trướng, nôn càn
Phù thũng, thương tích, tỳ an, vị bền
Khai vị hay tựa "thuốc tiên"
Dùng vừa thì tốt, bị phiền dùng tham.
4.Kinh giới giải cảm phong hàn
Vị cay, hơi ấm, phế, can kinh vào
Chỉ dưỡng, thấu chẩn mạnh sao
Nhọt lở, xuất huyết uống vào bệnh lui
Cầm máu phải sao đen thui
Trúng phong, cấm khẩu dùng tươi cũng cần
Hạ huyết ứ, chớ phân vân
Phong ngứa, sởi, cúm, cứ tầm loại tươi
Hoa thời phát hãn tuyệt vời
Biểu hư, tỳ yếu ta thời không ăn.
5.Tía tô Đông y rất cần
Dùng cành, hạt, lá chữa lành bệnh sinh
Cay, ôn, nhập phế, tỳ kinh
Cảm hàn dùng lá sẽ linh diệu nhiều
Bị ho, nhiễm độc sẽ tiêu
Chỉ nôn, kiện vị, giúp điều ôn trung
Cành là Tô ngạnh đều dùng
An thai, hành khí, vui lòng chị em
Hạt thì giáng khí trị hen
Chữa ho đờm, suyễn muốn êm phải cần.
6.Phòng phong giải biểu cảm hàn
Cay, ngọt, hơi ấm, kinh can quy vào
Bàng quang cũng nhập chứ sao
Phong thấp, phong nhiệt bệnh nào cũng ưa
Giải kinh, thấp tý dùng cho
Giải độc Thạch tín chẳng lo bận lòng
Huyết hư nhiệt cực sinh phong
Âm hư hỏa vượng thì không nên xài.
7. Khương hoạt tán phong rất tài
Vị vừa cay đắng, tính thời lại ôn
Nhập bàng quang với thận, can
Dùng khi cảm mạo phong hàn rất hay
Trị phong thấp, đau vai, tay
Còn dùng để chữa có thai bị phù
Chữa câm, nói ngọng, ù ờ
Kiêng kỵ cần phải nhớ cho rõ ràng
Huyết hư không bởi phong hàn
Nếu dùng Khương hoạt sẽ làm hại ngay.
8. Tế tân rễ nhỏ, vị cay
Bản kinh lấy đó đặt ngay tên liền
Vị cay, tính ấm đừng quên
Vào ba kinh: thận, phế, tâm của mình
Giải cảm phong hàn diệu linh
Khu phong, chỉ thống tài tình lắm thay
Phúc, nha, đầu, tý thống gay
Đàm ẩm, khai suyễn, dùng ngay đỡ liền
Thần hôn, khiếu bế, tỵ uyên
Tế tân sẽ chữa bệnh thuyên giảm nhiều
Kiêng khem cần nhớ mấy điều
Khí huyết suy kém dùng nhiều không hay
Âm hư hỏa vượng tránh ngay
Lê lô cùng với vị này phản nhau.
9.Hồ tuy (Rau mùi) tên có từ lâu
Rau mùi làm thuốc, làm rau giúp đời
Vị cay, tính ấm, thơm mùi,
Quy kinh phế, vị ta thời nhớ ghi
Thấu chẩn, phát hãn hay ghê
Tiêu thực, hạ khí chắng chê điểm nào
Thúc cho sởi mọc tốt sao
Kiện vị, tiêu thực, mặt nào cũng hay
Tiểu bí, cạn sữa dùng ngay
Sởi (đã) mọc, vị loét thứ này tránh xa.
10. Tân di chưa có ở ta
Thường hay phải nhập rất là khó khăn
Nó là nụ cây Mộc lan
Được trồng và cũng mọc hoang nhiều vùng
Có mùi thơm rất đặc trưng
Bên ngoài nâu sẫm, lông nhung hơi vàng
Vào kinh phế, vị hai đàng
Vị cay, tính ấm dễ dàng nhận ra
Công năng trừ nhiệt, phong tà
Xâm vào cơ thể nhất là thượng tiêu
Giúp cho khiếu được thông đều
Chủ trị đầu, óc đau nhiều do phong
Xổ và ngạt mũi, viêm xoang
Tân di- "thánh dược" trị an bệnh này
Âm hư, hỏa vượng kiêng ngay
Nếu dùng thì sẽ thêm rầy rà ra.
11.Bạch chỉ làm thuốc từ xưa
Vị cay, tính ấm, rất ưa được dùng
Vào phế, tỳ, vị, đại tràng
Giải cơ, phát biểu, phong hàn tán ngay
Chữa nhọt, ban, lở rất hay
Đau răng, đầu nhức, mũi đầy nước hôi
Đại tiện ra máu dùng thôi
Táo thấp, hành huyết, đồng thời điều kinh
Trừ sạch mủ, giúp cơ sinh
Huyết hư, đầu thồng chúng mình nên kiêng
Nếu sốt xuất huyết cũng nên
Không dùng Bạch chỉ sẽ yên tâm mà.
12. Hành hay Thông bạch - Hành hoa
Vừa là vị thuốc vừa là rau ăn
Nhập kinh phế, vị và can
Vị cay, tính ấm, tán hàn rất hay
Hòa trung, hoạt huyết, an thai
Bí tiểu, sao nóng đắp hoài bàng quang
Giảm đau, cố thận, thông dương
Mồ hôi ra được hết vương nhức đầu
Tiệt trùng, sát khuẩn rất mau
Biểu hư đa hãn nhắc nhau không dùng
Vị Thông bạch với Mật ong
Hai thứ tương kỵ nên không ăn cùng.
13.Hương nhu trắng, tía dễ trồng
Vị cay, ngọt, ấm, lại không độc gì
Quy vào kinh phế, vị, tỳ
Cảm hàn, cảm nhiệt tức thì giải ngay
Hòa trung, kiện vị tốt thay
Tiêu phù, lợi tiểu, vị này đảm đương
Mụn nhọt, lở ngứa, vết thương
Rửa bằng nước sắc của Hương nhu già
(Hương nhu đã có hoa)
Miệng hôi, tóc chậm, mọc ra
Dùng Hương nhu chữa chắc là sẽ yên
Kiêng kỵ phải nhớ đừng quên
Biểu hư đa hãn chớ nên dụng càn.
14. Cảo bản cay, ngọt, tính ôn
Bàng quang kinh ấy thuốc luôn quy vào
Tác dụng dược lý rất cao
Tán hàn, giải biểu cho bao người dùng
Chỉ thống, thắng thấp, khu phong
Tác dụng gần giống Xuyên khung ấy mà
Đầu đau ở đỉnh nên gia:
Quả Ké, Bạch chỉ cùng là Xuyên khung
Kể cả viêm mũi, viêm xoang
Phong hàn, thấp tý xua tan khó gì
Gội đầu, gàu sẽ hết đi
Đầu đau do huyết hư thì tránh xa.
2. Thuốc tân lương giải biểu
Tân lương giải biểu nghĩa là:
Thuốc cay, mát, đuổi phong tà, nhiệt đi
Phần lớn kinh phế được quy
Công năng giải biểu nhiệt ghi hàng đầu
Phát tán phong nhiệt, chỉ đau
Bị cảm phong nhiệt nhắc nhau nên dùng
Sốt cao, đau nhức, rêu (lưỡi) vàng
Họng khô, miệng khát, nóng càng sợ hơn
Thuốc Tân lương giải biểu gồm:
Ngưu bàng tử với Cát căn, Bạc hà
Mộc tặc, Tang diệp, Thăng ma
Đạm đậu xị với Cúc hoa, Phù bình
Sài hồ, Thiền thoái, Mạn kinh (tử)
Cảm mạo phong nhiệt trọng khinh đều dùng.
1. Bạc hà cay mát, thơm lừng
Nhập tâm bào lạc, phế cùng kinh can
Sơ tán phong nhiệt, trừ đàm
Đau đầu, mắt đỏ, lo toan sưu tầm
Kích thích tiêu hóa càng cần
Đau bụng, nôn lợm, chữa dần khỏi thôi
Giúp cho sởi mọc thuận xuôi
Chỉ ho, sát khuẩn ta thời dùng ngay
Kiêng khem cần nhớ sau đây:
Khí hư, huyết táo, vị này phải kiêng
Biểu hư đa hãn không nên
Bạc hà dùng sẽ gây phiền cho nhau.
2. Thiền thoái tức Xác ve sầu
Vị ngọt, hơi mặn, nghe đâu tính hàn
Quy vào kinh phế, kinh can
Phát tán phong nhiệt gây khàn tiếng, ho
Thúc cho sởi, đậu mọc ra
Phong sang, mắt đỏ nhiệt tà xâm vô
Trấn kinh, thần định, trẻ thơ
Sốt cao co giật, khóc xô đêm dài
Thận trọng với người có thai
Hư không phong nhiệt nếu xài là gay.
3. Ngưu bàng tử vị đắng cay
Tinh hàn, kinh phế, vị hay quy vào
Sơ phong thanh nhiệt tốt sao
Giải độc thấu chẩn, họng nào còn sưng
Chủ trị cảm nhiệt tà phong
Giải độc thúc sởi mọc mong thuận chiều
Chữa phong chẩn ngứa cũng siêu
Sốt, ho, đau họng bệnh đều giảm thuyên
Lao da, mụn nhọt, thận viêm
Tỳ hư tiết tả phải kiêng không mần.
4. Tang diệp – lá cây dâu tằm
Có vị ngọt, đắng, tính hàn sách ghi
Phế, can và thận kinh quy
Bị cảm phong nhiệt dùng đi vài liều
Cố biểu, liễm hãn cũng siêu
Thanh can minh mục dùng nhiều xưa nay
Tiểu đường, huyết áp hạ ngay
Hóa đàm, chỉ khái lá này có công
Đau đầu, hoa mắt khó trông
Là do can thận âm không cân bằng
Nên tìm tang diệp mà dùng
Phối với mấy vị thuốc đông sở trường.
5. Cúc hoa hay cúc hoa vàng
Vị cay, ngọt, đắng, hơi hàn; quy kinh
Phế, can, tỳ, vị, tâm mình
Nhị tràng và đởm, tám kinh nhập cùng
Tác dụng tốt trên lâm sàng
Sơ phong, thanh nhiệt, bình can tuyệt vời
Giáng hỏa, giải độc kịp thời
Mắt mờ, đau đỏ, tìm nơi cúc vàng
Nhức đầu, hoa mắt chẳng an
Cúc vàng dùng trị giải ban, ngứa tài
Trị đinh nhọt: giã đắp ngoài
Khi cao huyết áp, nhắc ai nhớ tìm
Những người tỳ vị hư hàn
Đau đầu do lạnh hãy khoan không mần.
6. Màn kinh tử đắng, cay, hàn
Quy phế, can, vị, bàng quang bốn đường
Phát tán phong nhiệt sở trường
Chữa đau mắt đỏ lại vương nhiều ghèn
Tử chi tê thấp do hàn
Viêm mũi dị ứng, tìm Màn kinh ngay
Đầu thống, răng lợi đau, gay!
Làm hạ huyết áp thuốc này đáng tin
Màn kinh làm tóc dài, đen
Huyết hư, đầu nhức phải kiềng nó ra.
7. Phù bình – Bèo cái quê ta
Vị cay, tính lạnh, quy ba kinh liền
Bàng quang và thận, phế kim
Phát hãn giải biểu hãy tin Phù bình
Chữa cảm phong nhiệt diệu linh
Giải độc, thúc sởi mọc bình thường hơn
Mề đay, mẩn ngứa hết trơn
Tiêu phù, lợi tiểu chẳng còn hồ nghi
Thể hư đa hãn nhớ ghi
Phù bình phải tránh, uống thì rất gay.
8. Cát căn còn gọi Sắn dây
Tính lương và vị ngọt, cay, rất lành
Quy kinh tỳ, vị rõ rành
Giải biểu, tán nhiệt, trừ nhanh khát phiền
Lỵ do trực khuẩn trị yên
Nếu sởi mọc chậm hãy nên kíp dùng
Bệnh cao Huyết áp, tiểu đường
Các chứng lâm trọc' ta thường uống ngay
Nhiều mồ hôi ở chân tay
Phải cần dùng bột Sắn dây chữa liền
Những ai say rượu liên miên
Cát hoa, bột sắn giải phiền hiệu thay
Âm hư hỏa vượng bệnh này
Hạ hư, thượng thịnh tránh ngay không cần.
9. Sài hồ cay, đắng, hơi hàn
Tam tiêu, (tâm) bào lạc, đởm, can quy vào
Công năng chủ trị dồi dào
Thoái nhiệt, giải biểu, sốt cao đều ngừng
Thăng dương khí, giải cốt chưng
Triệt ngược tà, chữa hành kinh không đều
Sơ gan, giải uất rất siêu
Kiện tỳ, ích khí, chữa nhiều chứng sa
Hội chứng can vị bất hòa
Thanh can giải uất phải gia Sài hồ
Vãng lai hàn nhiệt khỏi lo
Viêm gan, viêm (túi) mật trị cho đỡ liền
Âm hư hỏa vượng ho kèm
Đau đầu căng thẳng cần kiêng vị này.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- DƯỢC LIỆU NAM TRÀ CAO HUYẾT ĐẰNG
- CAO GẮM NAM DƯỢC LIỆU CHỮA BỆNH XƯƠNG KHỚP GOUT
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(26)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(25)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(24)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(23)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(22)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(21)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(20)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(19)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(16)
- ĐÔNG DƯỢC DIỄN CA(15)